Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Người giàu và người văn hóa?

Để trở nên giàu có, một người chỉ mất vài ba năm nhưng để trở thành người có văn hóa, có thể phải mất hàng chục năm, có khi cả cuộc đời.

(Vũ Khiêu – Bài phát biểu nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội)


Con người ta thường tự hào về những điều quý giá mà mình có, mình sở hữu. Người thích thú sự giàu có, người vui vẻ với tầm hiểu biết của bản thân, người hào hứng với địa vị thứ bậc của mình. Ngẫm như vậy, đôi lúc, tôi lại tự hỏi mình: Vậy người trẻ có gì để tự hào? Quả là người trẻ mới bước vào đời, người có người không, nhưng có một câu nói cứ ám ảnh tâm trí tôi như một sự nhắc nhở những năm tuổi xuân rời tay cha mẹ và bắt đầu những chuyến đi riêng của mình.
Để trở nên giàu có, một người chỉ mất vài ba năm nhưng để trở thành người có văn hóa, có thể phải mất hàng chục năm, có khi cả cuộc đời
(Vũ Khiêu – Bài phát biểu nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội)
Hẳn là ai trong chúng ta cũng hiểu giàu có là như thế nào. Đó là khi ta nắm trong tay một sản nghiệp lớn, một khối lượng của cải vật chất tiền bạc đảm bảo cho một cuộc sống đầy đủ sung túc. Người giàu có ư? Tôi có thể kể nhiều lắm: những giám đốc, tư vấn kinh doanh, CEO tài ba, những bác sĩ giỏi giang, hay dù chỉ là người buôn bán nơi phố chợ ... Và người ta làm giàu chỉ mất vài ba năm thôi – một khoảng thời gian ngắn so với một đời con người.
Nhưng giàu có “văn hóa” dường như lại có một ý nghĩa khác hẳn. Văn hóa là toàn bộ những giá trị con người tạo ra gồm có cả vật chất và tinh thần. Có văn hóa thì chỉ giới hạn trong phạm vi tinh thần thôi, và nó tuyên bố sự xuất hiện của mình qua tầm hiểu biết, cách ứng xử và lối sống của mỗi người chúng ta. Để trở thành người có văn hóa, ta phải đổi bằng một khoảng thời gian dài – hàng chục năm, có khi là cả đời mình. Có lẽ điều mà Vũ Khiêu đã chiêm nghiệm không phải là một phương thức làm giàu, hay làm giàu cái gì, mà là sự giàu có cả về vật chất và tinh thần. Cái có về vật chất thì có thể nhanh chóng đạt được, còn cái có về văn hóa thì cần có một quá trình hình thành bồi đắp và hoàn thiện.
Cuộc sống có cả những người giàu, người nghèo, và dù ở thời đại nào cũng có đủ ba tầng lớp: hạ lưu, trung lưu và thượng lưu. Vậy mà Vũ Khiêu lại nói Để trở nên giàu có, một người chỉ mất vài ba năm. Thoạt đầu nghe tưởng chừng như chuyện làm giàu dễ lắm. Nhưng ngẫm sâu sa thì lại không phải như vậy. Chuyện làm giàu có thể dễ hay khó tùy điều kiện và khả năng của mỗi người, nhưng dù ở đâu con người cũng xoay sở để kiếm ra được của cải. Bởi cuộc sống luôn chất chứa trong nó nhiều cơ hội và dành cho tất thảy mọi người. Ai nhanh tay nắm bắt được những cơ hội đó thì dường như họ đã ôm chắc những thành công nhất định trong sự nghiệp và trở nên giàu có, sung túc hơn. Như một Bill Gates với cơ hội mở ra một thời đại “cửa sổ” – những chiếc máy tính kết nối hệ điều hành Windows, hay một Steve Jobs với cơ hội mở ra một kỷ nguyên của điện thoại thông minh.

Con người ta cũng có thể giàu có nhờ tích lũy của cải, sống tiết kiệm. Chả phải cha ông ta từng dạy “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện” đó sao? Nếu mỗi chúng ta biết chi tiêu hợp lý, tiết kiệm thì thời gian sẽ cất giùm ta tiền của. Và bên cạnh những nỗ lực cá nhân đó, ta còn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ cha mẹ, những người bạn hay đồng nghiệp để hiện thực hóa ước mơ, mục tiêu của mình. Vậy nên chúng ta cần tin rằng ba năm là một thời gian đủ để làm nên một sản nghiệp, một thành quả lớn. Tôi tin là vậy và bây giờ, tôi không còn ngạc nhiên trước những lời bày tỏ của người trẻ: rằng họ muốn kiếm được một triệu đô  trước 25 tuổi, hay mua được nhà, được xe chỉ một hai năm sau khi rời giảng đường đại học.
Vậy mà để trở thành một người có văn hóa, chúng ta phải mất hàng chục năm, có khi là cả cuộc đời mình ư? Bạn có nhận thấy không, đôi lúc trong cuộc sống, chúng ta lại thủ thỉ với chính mình rằng, mình là một người có văn hóa, mình cần phải sống văn hóa, nhất là sau một cuộc đôi co nảy lửa với một ai đó. Có lẽ chính những khoảnh khắc đó, ta đang tự nhắn nhủ mình về cái đích “trở thành người có văn hóa”, để ta không bị lãng quên hay bị cuốn theo những nổi trôi của cuộc đời.
Người có văn hóa trước hết phải là người có hiểu biết. Thật vậy, hãy để tâm tới những cuộc trò chuyện đời thường, bạn sẽ nhận thấy rằng những người mù thông tin đang tự chứng tỏ cho ta thấy họ là người lỗi thời so với mặt bằng văn hóa chung của nhân loại, và họ cũng đang lạc nhịp những guồng quay của cuộc sống. Họ thiếu đi sự hiểu biết, không chỉ hiểu biết những tri thức khoa học mà còn cả tri thức đời sống. Tri thức ư, tôi lẩm nhẩm với chính mình, rằng có dành cả đời, tôi cũng không thể ôm trọn kho tri thức vô cùng vô tận của nhân loại, và hẳn là ai cũng như vậy thôi. Nhưng nếu coi tri thức như những thỏi vàng, những xấp tiền, những của cải giá trị và tích lũy chúng mỗi ngày thì ta có thể trở nên giàu có được – một sự giàu có về tri thức, một sự giàu có thật đáng quý. Vậy nên bạn hãy học, hãy tích lũy tri thức và cập nhật thông tin cuộc sống hàng ngày. Thời gian là một dòng chảy bất tận. Thực tế cho thấy những điều ngày hôm nay ta trải nghiệm, có thể ngày mai đã trở nên lạc hậu rồi. Ngày hôm nay LG ra một mẫu điện thoại mới, có thể ngày hôm sau đã xếp hàng sau một chiếc Galaxy của Samsung rồi. Hãy tự học, tự trau dồi mỗi phút giây cuộc sống, để ta không trở thành những kẻ mãi đi sau người đời.
Một người có văn hóa còn là một người có lối sống lành mạnh, tốt đẹp và tích cực. Hãy hình dung cuộc sống của bạn như những chuyến đi. Chúng ta không chỉ trang bị cho mình năng lượng và hiểu biết mà cần cả những định hướng, mục tiêu và phương châm hành động cụ thể, để không sa chân vào những vũng lầy, chốn sương mù ảo, những thói hư tật xấu hay những cám dỗ của người đời. Và tất cả những điều đó không hình thành ngày một ngày hai, mà bạn sẽ phải trải qua cả một quá trình để mỗi người. Khi còn trong vòng tay cha mẹ, ta nhìn cuộc sống toàn một màu hồng, và ta thấy cuộc sống của mình thật “trong lành” biết bao. Nhưng khi hóa thành những nhánh bồ công anh bay đi khắp chốn, ta mới thấu những cơn bão, những ngày nổi gió hay chính là những hỗn loạn ô tạp ngoài cuộc sống kia. Lúc đó ta mới thấy trân quý một lối sống lành mạnh mà cha mẹ dạy mình thuở nào, và tự nhủ mình phải luôn vững vàng như vậy trong những ngày tới đây.
Và một điều quan trọng nữa mà ta không thể không nói tới, đó là đạo đức mỗi con người. Đây là gốc rễ hình thành nên văn hóa của tôi và của bạn. Ta không thể gọi một người con bất hiếu với cha mẹ, hay một kẻ dã tâm giết người là có văn hóa được. Đạo đức của mỗi người cũng phải trải qua một quá trình hình thành bồi đắp. Từ những ngày chập chững bước đi, ta học cách yêu thương ông bà cha mẹ. Khi đến trường, ta học cách kính trọng thầy cô. Khi bước ra ngoài cuộc sống, ta học cách đối nhân xử thế sao cho đúng mực và khôn ngoan. Và mọi thứ bắt đầu ở đây, khi ta biết tự điều chỉnh chính bản thân, phân biệt đúng sai tốt xâu, giữ vững đạo đức làm người.
Bạn thấy đó, để trở thành một người có văn hóa không phải đơn giản, ngay cả khi bạn đã là một người có vốn văn hóa sâu dày. Văn hóa – tôi gọi đó là thứ thủy tinh dễ vỡ nhất của loài người, và cũng là thử thủy tinh nhiều người trong chúng ta để hớ hênh nhất. Một khoảnh khắc vô tình sơ sểnh có thể tạo nên lầm lỡ, và chiếc bình thủy tinh kia dù có dày thế nào cũng sẽ vỡ tung ra.
Mỗi chúng ta hẳn là ai cũng có những “gạch đầu dòng” nho nhỏ nhắc nhở mình về cái đích trở thành một con người có văn hóa. Có nhiều phương thức, nhiều con đường để bạn chọn, nhưng hãy luôn nhớ rằng mình phải nâng cao, trau dồi hiểu biết, tri thức mỗi ngày trong cuộc đời bạn. Thay vì ngồi tỉ mẩn Facebook, hãy ghé qua những trang báo điện tử để cập nhật thông tin. Thay vì chìm đắm trong những bản nhạc Hàn quốc sôi động, những thước phim mùi mẫn cùng những nghệ sĩ xinh đẹp, hãy tìm hiểu khám phá thêm nền văn hóa đất nước này, vùng đất nọ qua những cuốn sách, hay những chuyến du lịch, đi phượt. Bên cạnh đó, hãy hình thành một bản lĩnh cứng cỏi, kiểm soát tốt những hành vi và cách ứng xử của bản thân. Ta có thể làm điều đó qua những lần trải nghiệm thực tế, và vận dụng trí óc, khả năng phân tích và tư duy phản biện của chính mình trong mọi tình huống. Cũng đừng quên đặt mình vào vị trí của người khác để có cách hành xử hợp lí. Tôi bỗng thấu hiểu một điều rằng dường như dạy bản thân cách sống văn hóa cũng chính là dạy cho bản thân những bước đi trưởng thành và mạnh mẽ hơn.
Trong không khí lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, khi cả dân tộc cùng nhìn lại bề dày lịch sử văn hóa được bồi đắp trong một nghìn năm cũng là lúc ta nhìn lại vốn văn hóa của chính mình. Để xây dựng một đất nước giàu mạnh cần sự góp mặt của những con người có tầm văn hóa cao. Nhà văn hóa Vũ Khiêu đã nhắc lại cho mỗi chúng ta về trách nhiệm đối với chính bản thân mình cũng như với sự phồn vinh của cả một dân tộc. Và văn hóa, dù ở đâu cũng là nền tảng cho sự phát triển của một xã hội, một cộng đồng.

Một người trẻ đâu dám nói nhiều về vốn văn hóa của bản thân, nhưng tôi nhận thức được rằng mình cần làm gì để phát huy lối sống và tư duy văn hóa của mình. Những chuyến đi tình nguyện, những ngày sống tự lập với gia đình, những buổi giao lưu văn hóa, hay những chuyến đi tìm hiểu về cuộc sống những người nghèo ngay giữa thủ đô, tôi tin những điều mình đang và sẽ làm có thể giúp bản thân tôi trau dồi rất nhiều điều. Bỗng ngẫm ra dù bạn hay tôi trong tương lai sẽ bước đến tuổi chiều tà bóng xế thì ta vẫn luôn tìm kiếm cho mình những giá trị văn hóa, hay chính là những nấc thang trưởng thành. Có vẻ như người mẹ tạo hóa đã ẩn đi hai chữ “văn hóa” dưới lớp hóa trang của “trưởng thành” để tạo nên quy luật tiến hóa của muôn loài.

Nguyễn Thị Minh Ngọc, chuyên Anh (2010 - 2013) THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

TED Radio: Hacking - mở đường đến một thế giới tốt đẹp hơn

Bản gốc dịch bởi Nguyễn Thị Minh Ngọc

Radio TED tuần này đề cập tới hacker, một khái niệm thường đi kèm với virus máy tính và những vụ tham nhũng của chính phủ. Tuy vậy Guy Raz nói với chúng tôi rằng “Tất cả các diễn giả của TED đang ngày ngày đóng vai những hacker để hướng tới những điều tốt đẹp đấy thôi – thâm nhập vào trong trí óc chúng ta, vào môi trường, thậm chí là ADN của những loài vật đã tuyệt chủng – những hacker bảo vệ thế giới”
Người đầu tiên, Mikko Hypponen, một lập trình viên đã tới thăm người tạo ra The Brain, một trong những virus máy tính đầu tiên gây chấn động làng công nghệ thế giới năm 1986. Trong cuộc nói chuyện của anh vào năm 2011, Hypponen đã kể câu chuyện công tác nghiên cứu virus đã đưa anh đến Pakistan như thế nào. Trong mã của một chiếc đĩa mềm bị nhiễm virus, Hypponen tìm thấy một đoạn văn bản tiếng Anh nói rằng “Chào mừng bạn đến với ngục tối 1986. Hãy cẩn thận với virus. Hãy liên lạc với chúng tôi để nhận được sự giúp đỡ”.
Làm theo những chỉ dẫn, Hypponen đi đến một cánh cửa dẫn vào một tòa nhà, và đối mặt với những người đã làm nên lịch sử. Lý do mà họ tạo ra chúng đó là: chứng minh rằng những chiếc máy tính cá nhân đời mới đã không còn an toàn nữa. Đó là bằng chứng cho thấy những hacker đời đầu thực sự là những hacker giỏi.
Nhà diễn giả tiếp theo của TED lại là một kiểu hacker hoàn toàn khác. Stewart Brand sử dụng ADN từ một hóa thạch hơn 2000 năm tuổi để hồi sinh một loài đã tuyệt chủng. Trong buổi trò chuyện tại TED 2013, ông đã kể câu chuyện về Martha, một con chim bồ câu – hành khách cuối cùng đã chết ngày 01/09/1914. Brand và những cộng sự của ông đã bắt tay vào chiến dịch “phục sinh sinh học”, còn được gọi là “xóa tuyệt chủng”. Ý tưởng của họ là chèn gen từ một loài đã tuyệt chủng vào một loài sống có quan hệ gần gũi. Brand cho rằng ông ấy đang thâm nhập để thiết lập quá khứ. “Đau khổ, tức giận, thương tiếc ư?” – ông nói – “Đừng làm vậy, hãy thiết lập lại quá khứ”
David Keith cũng là một nhân vật đang đưa hack lên một tầm mới. Ông cho rằng chúng ta có thể chỉnh sửa hiện tượng thay đổi khí hậu bằng cách điều chỉnh tầng bình lưu. Như ông đã từng giải thích trong một buổi trò chuyện của TED, việc bổ sung các giọt axit sunfuric vào tầng bình lưu có thể tạo ra điện toán đám mây làm chệch hướng một số tia nắng mặt trời. Việc kết hợp một chất gây ô nhiễm với một chất khác có thể làm giảm nhiệt độ toàn cầu xuống trở lại.
Keith gọi đó là bồi thường rủi ro cho bầu khí quyển toàn cầu. Cũng như khi mọi người lái xe nhanh hơn do có một chiếc túi khí ở trong xe con của họ, liệu những thao tác khoa học can thiệp vào có giúp chúng ta vơi bớt đi những trăn trở về vấn đề môi trường?
Tuy nhiên, sự phát triển về khoa học này lại là một điều đáng để ăn mừng. Keith kết luận “Hiểu biết về thiên nhiên cho chúng ta năng lực để gây ra cho chúng những tổn hại nhưng cũng giúp cho chúng trở nên tốt đẹp hơn”
Jay Silver là một “hacker” thứ thiệt trong chương trình, và anh đã mang đến chúng tôi một cách nghĩ khá thú vị về công việc này. “Hacker không bao giờ thắc mắc mọi thứ hoạt động như thế nào, họ chỉ quan tâm cái gì sẽ hoạt động” – anh nói. Anh so sánh công việc của mình với một đứa trẻ cố gắng hết lần này đến lần khác để khám phá các khả năng khác nhau. Người tạo ra Makey-Makey, Silver cho thấy hầu hết mọi thứ đều có thể bị xâm nhập như thế nào: “Con người, cây, mèo kitty, bà nội, nước, than chì” Đối với Silver, hacking khiến cảnh quan của cuộc sống này trở thành những hình thức thể hiện.
Kết thúc kỳ này là Andres Lozano, một bác sĩ giải phẫu thần kinh nổi tiếng, người đã “hack” vào não bộ con người. Lozano giải thích về việc làm thế nào để điều chỉnh mạch của não người sử dụng điện từ, điều chỉnh lên hoặc xuống các vùng hoạt động sử dụng một thứ tương tự như một chiếc điều khiển từ xa. Trong buổi trò chuyện TED, Lozano đã mang đến một đoạn phim về một phụ nữ mắc bệnh Parkinson và lý giải kỹ thuật của ông bằng cách giảm chấn động của người phụ nữ đó.
Sau khi kiểm soát được các di chuyển, Lozano chia sẻ rằng ông cũng có thể xóa các đám mây đen trầm cảm của người này trong vòng 10 giây. Trong tập này, ông đề cập đến một vấn đề gây tranh cãi mà ông gọi là “phẫu thuật thẫm mỹ não”. Ông cho rằng, khả năng thay đổi nhận thức tính cách có thể xảy ra và miêu tả nó như việc “vạch ra bản đồ cho một thiên hà, một hành tinh chưa được khám phá”
Nhưng cũng giống như những gì David Keith đề cập với các hoạt động liên quan đến khí quyển, sự khéo léo của con người trong giải quyết vấn đề không phải là điều đáng để tâm ở đây. Lozano cũng đưa ra những câu hỏi quan trọng: Liệu chúng ta có nên can thiệp vào tính cách nội tại bên trong con ngườià có công bằng không khi chỉ có những người giàu mới nhận được cơ hội đắt đỏ này?
Tất cả những diễn giả này đã chứng minh rằng con người đã phát triển những phương thức đáng ngạc nhiên để điều khiển vũ trụ nhưng dù chúng ta có thể, điều đó không có nghĩa là chúng ta nên làm. Một câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ là người đưa ra quyết định?

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Trong tranh luận, bạn không cần phải là người chiến thắng


Bản gốc dịch bởi Nguyễn Thị Minh Ngọc

Daniel H. Cohen một diễn giả TED nói về những cuộc tranh luận và chúng ta không nên coi đó là "cãi lộn"

Trong buổi trò chuyện ngày hôm nay tại đại học Colby, Cohen đã bảo chúng tôi hãy gạt sang một bên cái mục tiêu chiến thắng một cuộc tranh luận để đạt được sự đánh giá cao từ những người khác.
Bàn về sự cố gắng để được đánh giá cao trong một cuộc tranh luận, chúng tôi đã hỏi Cohen liệu ông có thể trả lời một vài câu hỏi của chúng tôi qua email. Hãy đọc những câu trả lời dưới đây và hãy thoải mái tranh luận với chúng trong phần bình luận nhé.
 

Cuộc tranh luận hay ho nhất mà ông từng có là gì?
Cũng có một số thực sự nổi bật và đáng nhớ. Khi tôi còn là một sinh viên, một đêm muộn, tôi ngồi tranh luận với hai sinh viên thuộc chuyên ngành tâm lý học về Nhất nguyên luận của Spinoza và phương pháp tiếp cận đa nguyên và nguyên tử. Điều khiến nó trở lên đáng nhớ đó là, trong suốt quá trình tranh luận kéo dài vài giờ, tất cả quan điểm mà chúng tôi đưa ra phát triển dần tới mức mà tưởng như tất cả những người tham gia đều có gắng chiếm lĩnh và chống lại từng quan điểm một. Kết quả là không phân thắng bại rõ ràng, nhưng chúng tôi đều đã dời đi với tầm hiểu biết được mở rộng hơn nhiều.
Tôi còn nhớ một cuộc tranh luận vẫn còn đang tiếp diễn về chủ nghĩa hiện thực và đối nghịch chủ nghĩa hiện thực giữa tôi và một nhà thơ trong suốt 30 năm qua. Tôi không chắc chúng tôi có cải thiện được các giải pháp thực tiễn không, nhưng chính nó đã khiến tôi nhận ra rằng quá trình và giải pháp không phải là những thước đo quan trọng nhất của một cuộc tranh luận.

Vậy ông định nghĩa một cuộc tranh luận như thế nào? Liệu có phải là trước khi tranh luận, hai hoặc nhiều người có một loạt các tư tưởng đối lập và sau một hồi tranh luận, một số tư tưởng thay đổi để hình thành nên những tư tưởng tương thích với nhau?
Như bạn thấy đó, tôi không hứng thú với những cuộc tranh luận mang tính đối khái và cả việc giải thích một cách lý thuyết rằng tranh luận là gì. Có những thứ khác, ngoài những tư tưởng quan điểm, có thể đem ra để tranh luận chứ. Chúng ta có thể tranh luận về việc làm gì, nên có thái độ thế nào, làm thế nào để hiểu chuyện ...
Quả thực, chúng ta có thể luôn luôn nhồi nhét gượng ép những ý hiểu khác vào những câu hỏi về quan điểm, niềm tin, nhưng chính những tiêu chuẩn tùy ý đó lại phù hợp với những cuộc tranh luận hơn bất kỳ thứ gì. Một cách lý tưởng, hẳn là sẽ có những thay đổi về nhận thức sau những cuộc tranh luận, nhưng những thành quả về nhận thức đó sẽ nhiều hơn là việc thu nhận, gạt bỏ hay thay đổi quan điểm, niềm tin.

Trong cuộc trò chuyện của ông, ông bàn luận về những lập luận lý thuyết.  Liệu có một sự khác biệt nền tảng nào giữa tranh luận thực tiễn về hành động (ví dụ như ai nên vứt rác đi, hay là liệu có nên đánh bom một đất nước khác) và những cuộc tranh luận về những khái niệm trừu tượng?
Có rất nhiều điểm khác biệt – phần nhiều trong đó là những điều khá quan trọng. Nhưng tôi không chắc là tôi sẽ đưa ra được một câu trả lời ngắn và ổn, ngoại trừ việc cho rằng với một người tranh luận tốt, mục đích của họ sẽ là thu nhận về cho mình một cái gì đó thay vì đi thuyết phục người khác. Như Michael Gillbert đã chỉ ra, nếu một cuộc tranh luận về bình xăng rỗng trong chiếc xe mà một người cho bạn của anh ta mượn đe dọa tình bạn 20 năm của họ thì hẳn cuộc tranh luận về bản chất không hướng tới cái bình xăng rỗng kia. Và tôi thêm vào là bất kì người bạn nào mà để cho một cuộc tranh luận về bình xăng rỗng định đoạt tình bạn của họ thì đó không phải là một người tranh luận tốt gì cả - và cũng không phải là người bạn tốt.

Các cuộc tranh luận nên dẫn tới những kết luận?
Trời, không hề! Nếu cuộc tranh luận 30 năm giữa tôi và nhà thơ kia kết thúc, hẳn là tôi sẽ nhớ nó lắm. Tranh luận có thể là một hình thức rất tích cực kết nối và truyền thông, nhưng nó đòi hỏi bạn phải là một người tranh luận tốt để làm điều đó.