Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả dần phía sau lưng bạn

Dành tặng bạn trong những phút yếu lòng!
Lối đi không có dấu chân người
Ai cũng muốn làm điều gì đó rất lớn lao nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo thành từ những điều rất nhỏ

 O. Henry viết câu chuyện “Chiếc lá cuối cùng” với cái kết khiến người ta phải suy ngẫm. Cụ Bơ-men đã ra đi để giữ lại niềm tin của Giôn-xi vào những chiếc lá của cây thường xuân đang rụng dần dần, và rồi Giôn-xi sau đó vui vẻ trở lại cuộc sống và vượt qua được căn bệnh sưng phổi. Cuộc sống thực ít có những người như cụ Bơ-men, nhưng câu chuyện đó thật sự đã gợi ra một thái độ sống mà theo cách nói của danh ngôn Nam Phi là “Hãy hướng về phía Mặt trời, bóng tối sẽ ngả dần về phía sau lưng bạn”.
Mặt trời và bóng tối là hai thái cực đối lập. Mặt trời là nguồn ánh sáng rực rỡ nhất, tỏa ra những hơi ấm và tượng trưng cho những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống. Từ xa xưa, người Ai Cập cổ đại đã tôn thờ thần Mặt trời là vị thần tối cao nhất của đất nước họ. Hoa hướng dương luôn vươn về phía mặt trời, là biểu tượng cho niềm tin vào một tình yêu chung thủy. Con người có thể ví mọi thứ mình trân trọng và khao khát là mặt trời, là ánh sáng. Còn bóng tối là tượng trưng cho những khó khăn, trở ngại, những ám ảnh, đau khổ, những điều tồi tệ trong cuộc sống. Hãy hướng tới ánh mặt trời - đó là khi con người hướng tới những điều tốt đẹp, sự thành công và một tương lai tươi sáng. Bóng tối sẽ ở lại, cũng như những khổ đau, khó khăn của cuộc sống không thể ngăn cản bước tiến của con người. Suy ngẫm về câu danh ngôn Nam Phi, có thể hiểu rằng khi ta biết hướng tới tương lai và những điều tốt lành cũng là khi ta ta có thể đứng lên trên tất thảy những khó khăn, gian nan của trường đời, những thất bại, khổ đau và cả những điều tồi tệ nhất.
Một quả cầu vàng rực giữa không gian, dù tỏa ra ánh sáng mạnh mẽ thế nào, chắc chắn không bao giờ có thể ban phát ánh sáng tới mọi ngõ ngách trên Trái Đất này. Sự thật là trong đời sống của bất kỳ ai trong chúng ta, dù là của bậc vĩ nhân hay là kẻ bần cùng của xã hội đều có cả mặt trời và bóng tối, điều tốt đẹp và điều tồi tệ, thành công và cả thất bại. Đây là hai mặt tồn tại song song, dù đối lập nhưng cũng hô ứng với nhau tạo nên bức tranh cuộc sống nói chung và cuộc đời mỗi con người nói riêng. Trong một kỳ thi, một cuộc cạnh tranh đấu đá, có người thắng thì sẽ có người thua. Giữa những chồng hồ sơ xin học bổng gửi tới một trường đại học, ban tuyển sinh sẽ chọn ra những cá nhân xuất sắc nhất và đó cũng là lúc hàng ngàn học sinh khác bị đánh trượt. Khi có một người thành công thì ở đâu đó trên trái đất này hẳn sẽ có một người vừa thất bại và chực bỏ cuộc. Ranh giới giữa hai mặt này đôi khi rất mong manh.
Chúng ta không tránh khỏi bóng tối. Nói cách khác, ta không thể lẩn tránh, không có quyền chọn lựa hay quyết định những điều bỗng nhiên đến với ta. Nghịch cảnh là sự bất khả kháng và nó vẫn luôn hiển hiện trong cuộc sống đấy thôi. Điều quan trọng mà chúng ta cần nhận thức, đó chính là cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ. Hãy thử tưởng tượng nếu bạn bước vào một căn phòng tối om, bạn thấy những gì? Bạn sẽ chả thấy gì cả ngoài một màn đen phủ kín trước mắt - bóng đen ấy sẽ khiến bạn ngần ngại. Và nếu bạn chỉ nhìn vào bóng tối, nhìn vào những điều tồi tệ, thì bạn sẽ càng trở nên bi quan hơn và mất đi định hướng cuộc sống. Bạn mất niềm tin vào những gì mình đang làm, những giá trị mà bản thân đang sở hữu. Điều đó cũng chẳng khác nào bạn tự tước đi mọi cơ hội và may mắn đến với mình để rồi cứ mãi chìm đắm trong hố sâu của sự thất bại. Đó là tình trạng của không ít bạn học sinh, phản ứng một cách tiêu cực khi nhận được kết quả trượt đại học. Họ cho rằng mọi cánh cửa tương lai đã khép lại, mọi hy vọng tiêu tan và không muốn cố gắng nữa. Thậm chí có những bạn còn tìm đến cái chết, khép lại cuộc đời khi chưa kịp báo hiếu cho cha mẹ chứ chưa nói gì tới chuyện cống hiến cho xã hội. Nghĩa là, 18 năm cuộc đời của bạn học sinh đó đã bị ném đi một cách thật vô nghĩa.
Ngược lại, nếu hướng tới ánh sáng, tới những điều tốt đẹp, bạn sẽ lạc quan hơn, có niềm tin hơn vào chính mình và những giá trị sống xung quanh mình. Điều này rất cần thiết để tiếp thêm cho chính mình nghị lực và tình yêu cuộc sống. Và lúc đó, con người ta có thể biến rủi thành may, biến họa thành phúc, trong nghịch cảnh vẫn tìm thấy kim chỉ nam để đến với thành công. Nick Vujicic được sinh ra cùng với một căn bệnh khiến anh khiếm khuyết cả tay và chân. Nick từng tâm sự rằng “Hoàn cảnh nghiệt ngã tưởng chừng đã có lúc nhấn chìm tôi. Hơn ai hết, tôi từng muốn tự tử, và đã từng rất nhiều lần bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng, tôi đã can đảm đứng dậy sau hàng ngàn lần ngã…”. Và rồi, khi đối diện với niềm tuyệt vọng, không gì cứu rỗi hơn cho Nick bằng khoảnh khắc nhìn thấy một thái độ sống tích cực. Anh đã nói: “Thường thì chúng ta cứ tự nhủ rằng mình không đủ thông minh hoặc không đủ hấp dẫn, hoặc không đủ tài năng để theo đuổi những ước mơ. Chúng ta tin những gì người khác nói về chúng ta, hoặc tự đặt ra những giới hạn cho bản thân. Tồi tệ hơn, khi bạn tự coi mình là một người vô giá trị, nghĩa là bạn đang đặt ra giới hạn cho những điều kỳ diệu”. Và điều kì diệu mà Nick đã làm được là chơi bóng, lướt sóng, bơi lội… và đặc biệt là hơn 1600 bài phát biểu tại các quốc gia khác nhau. Có thể bạn chưa có được nghị lực và niềm tin như Nick, nhưng bạn cần phải biết con đường nào mình nên đi và những công việc nào cần phải hoàn thành để chạm tới cái đích mà mình mong muốn. Đường tới thành công cũng tựa như cuộc leo núi, bạn hoàn toàn có thể trượt ngã giữa lưng chừng. Sự lạc quan sẽ kéo bạn đứng dậy, cải thiện niềm tin và tiếp thêm cho bạn sức mạnh để vững vàng hơn trong cuộc đua tới cái đích mà bạn hằng khao khát.
Tôi từng tự hỏi nhiều lần rằng tôn giáo có vai trò gì đối với con người? Và tôi đã tự tìm được câu trả lời cho chính mình: con người cần một nơi để gửi gắm niểm tin. Những người theo đạo Tin lành, đạo Kitô thì cầu nguyện Đức Chúa Jesu, hay người theo đạo Phật thì tin vào đức Phật, trời đất và thánh thần. Khi họ rơi vào tình thế nguy nan, họ cầu xin Chúa, xin đức Phật che chở cho họ vượt qua hoạn nạn. Họ cũng cầu xin hạnh phúc cho những người họ thương yêu. Cũng từ đó mà con người sống tốt hơn, trân trọng cuộc sống và mở lòng hơn với những người xung quanh. Xã hội cũng nhờ vậy mà phát triển văn minh và tốt đẹp hơn. Vậy là, tìm đến với tôn giáo phải chăng cũng là cách để con người hướng về một thứ ánh sáng tinh thần? Để vượt qua những gì mà bản thân con người còn chưa hiểu hết…
Không phải ai sinh ra trong cuộc đời này cũng được nuôi nấng và lớn lên trong một gia đình sung túc, đầy đủ. Có những mảnh đời nghèo, có những số phận bất hạnh, có người sớm mồ côi cha mẹ, có những người tàn tật… Nhưng niềm tin vào cuộc sống của họ lại vô cùng mãnh liệt. Câu chuyện về cô bé không tay mơ ước trở thành kỹ sư công nghệ thông tin đã từng được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng và lay động trái tim bao bạn đọc. Cô bé Lê Thị Thắm ở Thanh Hóa không may mắn được sinh ra trên đời bình thường như bao đứa trẻ khác. Em không có tay kể từ khi lọt lòng mẹ và người ta đã từng gọi em là đứa trẻ không giống con người. Nhưng thay vì tủi thân về số phận của mình, Thắm lại sống rất lạc quan. Dù không có tay nhưng em đã xin bố mẹ cho đến trường học hành như bao bạn khác và tự mình tập viết chứ bằng chân. Thậm chí, em có thể phụ mẹ làm việc nhà và còn biết cả vẽ tranh, thêu thùa và đánh máy tính, tất cả đều bằng chân. Cuộc sống của em là những chuỗi ngày đầy nghị lực cố gắng và được thắp sáng lên bởi những ước mơ đẹp và cái nhìn đầy hy vọng về tương lai. Thắm từng nói: “Em thua thiệt mọi người vì không có đôi tay. Nhưng em không nản, em còn có đôi chân và trí óc.” Phải chăng đó chính là sức mạnh đã giúp em cũng như bao số phận ngặt nghèo khác ghi dấu chân trên cuộc đời này?
Hướng về Mặt trời, về phía những điều tốt đẹp là một tư tưởng tích cực nhưng chỉ bấy nhiêu thôi chưa đủ để con người có thể vươn tới cái đích mình mong muốn. Niềm tin và sự lạc quan chỉ là một yếu tố tinh thần thúc đẩy con người trong cuộc sống. Để làm nên thành công, ta cần có những yếu tố tinh thần khác, cũng rất cần những năng lực thực tế trong cá nhân mình. Một con người muốn đi đến cùng của sự hoàn hảo và vinh quang phải có trí tuệ, hiểu biết, khả năng hành động và sự linh hoạt giữa những chuyển biến xã hội. Nếu niềm tin không đi kèm hành động thì chỉ là một niềm tin chết. Và bản lĩnh, nghị lực, niềm đam mê, những ước mơ cháy bỏng cũng là điều thiết yếu trên chặng đường vươn tới thành công vốn luôn có những gian nan, hiểm nguy và thất bại rình rập. Và đôi khi, hoàn cảnh cũng là một yếu tố quan trọng, thậm chí mang tính quyết định. Con người cần biết lựa thời, đón nhận những thời cơ mà cuộc đời ban cho ta. Con người nếu chỉ bỏ quên một yếu tố thôi cũng không bao giờ có thể đạt được ý nguyện của mình.
Tôi từng có may mắn được tham gia một chương trình tình nguyện đến thăm một cụ già do Hội Từ Tế của tỉnh giới thiệu. Trước khi đi, tôi đã nghĩ hẳn đó là một cụ già nghèo khó và ốm yếu lắm đây. Nhưng khi đến nơi, tôi cảm thấy khá ngạc nhiên. Cụ quả là già và nghèo thật nhưng không hề ốm yếu chút nào mà lại còn nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi. Tôi cảm thấy mủi lòng cho cụ, nhưng ngược lại, cụ lại nói cười rất nhiều, có khi còn nhiều hơn cả mấy đứa học sinh chúng tôi. Tôi cảm nhận trong cụ một niềm lạc quan, ở cái tuổi gần đất xa trời vẫn luôn cố gắng sống một cách tích cực nhất. Nhìn lại bản thân mình, tôi lại thấy mình quả là đã giận dỗi cuộc sống quá nhiều rổi! Tôi cần phải mở lòng mình và học cách sống tích cực hơn. Và bạn cũng vậy, hãy luôn lạc quan trong cuộc sống, để cảm nhận tình yêu thương mọi người dành cho, để cảm nhận cuộc sống vẫn còn giấu ta nhiều điều lắm, nó đang đợi ta khám phá đấy! Tương lai vẫn luôn đợi ta, hãy luôn lạc quan nhìn về ánh sáng nơi cuối con đường nhé!

Copy ghi rõ nguồn.

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Cách tạo lập kế hoạch cho bản thân (phần II)

Cách tạo lập kế hoạch cụ thể (phần I)



Phần II: LẬP THỜI GIAN BIỂU CHO NHỮNG MỤC TIÊU/ CÔNG VIỆC NHỎ
Bạn đang có trong tay một danh sách những công việc nhỏ cần thực hiện để hoàn thành mục tiêu lớn. Giờ là khâu phân bố thời gian. Xin hãy nhớ đây là những mục tiêu nhỏ, đơn vị thời gian dành cho chúng là ngày/ tuần/ tháng, đừng kéo dài đến hàng năm, vì nó sẽ khiến bạn ít nhiều thấy mệt mỏi. Chia theo tuần/ tháng, bạn sẽ kiểm soát các công việc tốt hơn và cũng dễ dàng thấy được sự cố gắng của mình đến đâu, cần cải thiện điều gì ... Thấy được sự hoàn thiện bản thân sẽ tạo thêm cho bạn nhiều động lực đó ^^

Công việc chính bây giờ tổng hợp lại những công việc được nêu ra ở Phần I, không phải là lập một cái gì đó mới đâu nhé! Tôi sẽ chủ yếu lấy ví dụ về ôn thi đại học để bạn dễ hình dung.

Có những công việc nhỏ chỉ cần 1 tuần là hoàn thành xong, cũng có công việc kéo dài tới một vài tháng. Có những công việc cần làm trước, có công việc để lại sau cũng không sao. Bạn hãy lựa chọn hợp lý, cân nhắc, xem xét thật kỹ để khoán thời gian sao cho phù hợp.
Hãy lập thành từng cụm nhỏ công việc để khoán thời gian

Ví dụ bạn là học sinh lớp 11, giờ đang là tháng Sáu và bạn có 12 tháng để chuẩn bị cho thi đại học. Nếu tính tổng thời gian khoán tạm thời bên trên (ở phần I) cho môn Toán thì bạn ước chừng mất là 9 tháng là ôn xong toàn bộ. Bạn còn dư 3 tháng, vậy hãy giãn thời gian của từng công việc nhỏ ra để ở mỗi phần việc đó, bạn có thể ôn tập sâu hơn.

Tổng thời gian ôn chuyên đề dự tính là 5 tháng, giờ nâng lên thành 7 tháng.
5 tháng còn lại bao gồm nhiều kì thi thử, mình sẽ chuyển sang luyện đề.



Đó, bạn cứ làm như vậy với từng phần công việc nhỏ một, sau đó bạn sẽ có một danh sách những công việc và thời gian cụ thể. Và hãy nhớ là sự linh hoạt là một điều vô cùng cần thiết. Những điều vừa được ấn định xong bên trên cũng chỉ mang tính tương đối, chứ không hề tuyệt đối. Có thể trong quá trình hoàn thành có những thay đổi hay sự cố xảy ra, khiến bạn trì hoãn lại một số thứ. Lúc đó bạn hãy điều chỉnh lại một vài khoàn thời gian của mình. Ban có biết tại sao tôi lại lưu ý điều này không? Bởi nếu bạn cứ gò ép mình phải làm theo đúng những gì bạn đã vạch ra từng ngày tháng thì đến một lúc, bạn bị lỡ nhịp, chậm tiến độ, bạn sẽ NẢN, hoặc, bỏ qua một số việc không hoàn thành, hoặc làm qua loa để kịp những gì bạn ấn định. Không, điều đó không tốt một chút nào, nó chỉ khiến bạn cẩu thả hoặc stressed hơn thôi!

Phần III: LẬP THỜI GIAN BIỂU Ở NHÀ THEO GIỜ CHO TỪNG TUẦN
Đây có lẽ là công việc mà tôi mất nhiều thời gian nhất để rút ra kinh nghiệm cho chính mình. Khi tôi mới làm điều này, quả thực tôi không biết bắt đầu từ đâu: tôi có một đống môn học, một đống bài về nhà, bài học thêm, đi học thêm, rồi thời gian học ở nhà mỗi ngày một khác. Và thời gian biểu này cũng không thể áp dụng cho nhiều tuần được. Mỗi tuần tôi phải làm cho mình một thời gian biểu mới.

Và bạn cũng cần phải như vậy. Mỗi tuần một thời gian biểu mới. ĐỪNG O ÉP! Cuộc sống luôn vận động thay đổi mà.
Và có thể bạn sẽ thấy rất mất thời gian khi ngồi vạch ra công việc cho từng giờ trong tuần (thường thì tôi mất 15 – 30’). Nhưng nếu bạn có được một thời gian biểu hoàn chỉnh rồi, những ngày sau đó, mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, bạn không bỏ sót bất kỳ phần việc hay nhiệm vụ nào, hay lâm vào tình cảnh lúc này không thấy có việc gì làm, sau đó lại ùn ùn một đống việc do bạn vô tình lãng quên.

Lưu ý rằng đây là thời gian biểu ở nhà nhé, bởi ở trường hay ở công ty, bạn đều phải làm việc theo lịch trình quy định sẵn rồi, chỉ ở nhà bạn mới toàn quyển kiểm soát thời gian của mình.
Công việc này bao gồm rất nhiều khâu, hôm nay tôi sẽ nói tới một vài bước đầu.

Bước 1: Liệt kê những việc phải làm
Tuần này, bạn có bài kiểm tra nào không? Nếu có, bạn phải xếp lịch ôn tập.
Tuần này, bạn có nhiều bài về nhà không, những môn nào có và những môn nào không, nhưng vẫn cần ôn lại?
Tuần này, sếp yêu cầu bạn phải giao nộp bao nhiêu bản kế hoạch hay đề xuất dự án?
Tuần này, nếu xét trong kế hoạch lớn kia (phần trên đó), bạn đã dự tính phải hoàn thành những gì?
Hãy liệt kê hết tất cả ra, cố gắng đừng để quên cái gì nhé, nếu không sau đó mà phải sắp lại thời gian sẽ mệt lắm đó.

Có thể có những công việc ngày nào bạn cũng làm ví dụ như chăm sóc cây cảnh, lướt web tra cứu thông tin, hay học từ vựng .. Nhóm này hãy viết riêng ra một chỗ.

Bước 2: Tính số thời gian bạn có
Nếu trừ thời gian đi học ở trường, đi học thêm, tham gia các hoạt động bên ngoài, trừ thời gian đi làm hay vướng bận cuộc họp đã được tính trước, bạn có bao nhiêu giờ ở nhà làm việc và nghỉ ngơi, sinh hoạt cùng gia đình? Hãy đặt câu hỏi với chính mình, và tính tổng số giờ mà một tuần mà bạn có.
P/s: Đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy số giờ lớn, bởi thực tế là thời gian chúng ta đi học ở trường cũng tầm khoàng 6 – 8h / ngày hay đi làm là 8h/ ngày cộng thời gian nghỉ ngơi khoảng 10h, đó là chưa kể ngày chủ nhật nghỉ ở nhà cả ngày. Mà nếu có lớn, hãy thấy vui mừng bởi đó số thời gian bạn làm chủ và lựa chọn cách sống làm việc cho riêng mình mà không bị thầy cô hay các sếp quản thúc đó!

Hôm nay tạm dừng ở đây nhé! Hãy đón chờ bài tiếp theo và có lẽ cũng là bài cuối cùng trong chuỗi bài tạo lập kế hoạch! Mình hy vọng những bài viết của mình có ích cho các bạn. Nếu có ý kiến gi, hãy bình luận (một cách lịch sự) ở dưới nhé! Ý kiến của các bạn sẽ giúp mình rất nhiều trong việc cải thiện chất lượng bài viết.


Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Cách tạo lập kế hoạch cụ thể (phần I)



Trò chuyện một chút nhé! Bạn đã từng cảm thấy một ngày 24h là quá ít? Bạn cảm thấy không đủ thời gian để hoàn thành bài tập, hay tham gia các hoạt động ngoài trời cùng bạn bè, hay nghỉ ngơi thư giãn với một quyển sách, một chút ca nhạc, ... Một ngày của bạn kết thúc lúc 12h đêm và 4h sáng hôm sau bạn lại lao mình vào công việc, bài vở để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới? Như thế thì thật là mệt mỏi. Thậm chí là sau cùng bạn nhận thấy việc học tập, lao động như thế không hiệu quả chút nào. Và kết quả cuối cùng của chuỗi ngày đó là sự chán nản, muốn bỏ cuộc, dừng lại ngay tức khắc, tôi chắc chắn một điều vậy đấy!
Sở dĩ tôi nói vậy vì tôi cũng đã trải qua những giờ phút như vậy rồi. Cuối cùng sau một thời gian dài, tôi nhận ra một điều: Không thực ra chúng ta không cần phải khiến cuộc sống thảm hại như vậy để mà hoàn thành những mục tiêu trước mắt. Chúng ta hoàn toàn có thể lao động tốt, học tập tốt, có thời gian nghỉ ngơi thư giãn mà vẫn đạt được kết quả như ý muốn (ừm , không hẳn 100%, nhưng cũng là 80 – 90%), nếu trước mỗi chặng đường bạn lập ra những MỐC THỜI GIAN cụ thể và quan trọng là một KẾ HOẠCH – THỜI GIAN BIỂU chi tiết cho những gì bạn dự tính sẽ phải làm.  
Tôi không tự nhận mình là một cá nhân xuất sắc, nhưng cũng là học sinh khá tốt trong lớp. Và bạn biết không, một thành tích cao là điều bạn mơ ước, nhưng niềm hạnh phúc thực sự là khi bạn nhìn thấy bản thân mình đã cố gắng thế nào, dần dần hoàn thiện thế nào, tôi dám cá vậy! Trước kia thì tôi không như vậy nhưng trong suốt năm lớp 12 vừa qua, tôi đã tiến hành lập kế hoạch cho việc học tập của mình, và tôi thấy rất vui khi thấy quá trình học tập của mình được cải thiện đáng kể, và việc ôn thi đại học của tôi cũng khá hiệu quả mà không hề quá mệt mỏi như nhiều người vẫn tưởng. Và thực sự công việc này rất thú vị, sau một thời gian dài, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc tạo lập kế hoạch và thời gian biểu cụ thể.
Thực ra điều này nói thì khá dễ nhưng khi mới bắt đầu thì ta lúng túng không biết nên xuất phát từ đâu. Ấy là ban đầu tôi thấy thế, và đó là lý do tôi viết blog này, để giúp các bạn đỡ lúng túng khi mới bắt tay làm quen với công việc. Tôi đã làm được và hiện tại nó là một việc không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Bạn cũng hãy thử làm theo tôi nhé!

Tào lao thế đủ rồi, giờ đi vào công việc chính nào! Tôi không có ý nói việc lập kế hoạch này chỉ hữu ích với riêng một đối tượng cụ thể nào, nhưng như tôi đã nói ở trên, tôi là một học sinh lớp 12 trong quá trình ôn thi đại học, vậy nên tôi sẽ chia sẻ luôn những bước thực hiện của mình làm ví dụ, hy vọng các bạn sẽ có một cái nhìn thấu đáo nhất về vấn đề này. Tôi nghĩ đối với các bạn/ em nào đang ôn thi đại học thì nó khá hữu ích đó!

Phần I: XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU

Bước 1: Lập ra mục tiêu cụ thể
-         Hãy hỏi mình xem bạn muốn đi đến cái mốc nào, cái đích rõ ràng thế nào. Một mục tiêu cụ thể sẽ là một nguồn động lực thôi thúc bạn cố gắng và cũng là một sự nhắc nhở thường trực với bạn
Ví dụ: bạn muốn đạt được bao nhiêu điểm trong kì thi đại học, bạn có muốn vào đội tuyển quốc gia không, bạn muốn tổng kết cuối kỳ của mình là bao nhiêu, bạn muốn được bao nhiêu điểm TOEFL iBT ...
-         Bạn muốn hoàn thành công việc này trong bao lâu? Hãy xem xét, ước lượng để đưa ra một con số. Hoặc là bạn còn bao nhiêu lâu nữa để hoàn thành việc này? Một mốc thời gian cụ thể là một điều vô cùng quan trọng đó. Nhớ đó nha! Bạn không định để cho câu nói: Nốt hôm nay cái đã cứ điệp đi điệp lại trong đầu bạn mỗi ngày chứ?
-         Hãy hỏi xem mình thực sự có khả năng để đạt được mục tiêu này hay không. Điều này không có nghĩa là bạn tự nhủ mình không có khả năng và đặt ra một mục tiêu thấp thôi, mà điều tôi muốn nói ở đây là ta cần kiểm soát độ “mơ mộng” của chính mình.
Ví dụ: Bạn có khao khát đi du học Mỹ nhưng bạn không phải dân chuyên Anh, cũng không thực sự học tốt tiếng Anh. Bạn lại đặt ra mục tiêu mình phải đạt được 2300/ 2400 SAT (một kỳ thi chuẩn hóa của Mỹ gần giống như thi đại học của Việt Nam) chỉ trong vòng 3 tháng ôn luyện thì tôi phải nói là bạn mơ mộng rồi đấy. Và sau 3 tháng nếu bạn không đạt được số điểm như vậy, hay một số điểm thấp hơn rất nhiều, tầm 1600 chẳng hạn thì bạn sẽ cực kỳ nản cho mà coi! Thế nên cứ bình tĩnh xem xét cân nhắc. Ước mơ phải đi kèm với thực tế, nếu không nó sẽ thành mơ mộng hay áp lực với chính bạn đó.

Bước 2: Xác định đối tượng nhỏ phải hoàn thành.
-         Hãy kể ra những mục tiêu nhỏ bạn cần phải đạt được trước khi đến với cái đích cuối cùng kia. 

-         Hãy liệt kê danh sách những việc bạn phải làm để đạt được mục tiêu đã đề ra
Ví dụ: để được 10 điểm toán khối D thi đại học
+ Phải ôn lại toàn bộ chuyên đề Toán từ lớp 10 đến lớp 12
+ Làm lại toàn bộ sách giáo khoa, sách bài tập toán những phần kiến thức thi đại học coi như ôn lại một lần nữa các chuyên đề
+ Thực hành các đề thi đại học các năm trước
+ Làm thêm các đề thi thử của các trường
(Mình lấy ví dụ thôi nhé, còn bạn làm thế nào thì lại tùy bạn)

Bước 3: Xác định thực tế bản thân
-         Công việc này rất quan trọng, bạn cần phải xem xét xem mình có điểm mạnh là gì, điểm yếu là gì để mà khắc phục điểm yếu, phát huy thế mạnh. Hãy viết ra những điều mình cảm thấy còn yếu kém, và những điều mình ổn rồi thành hai cột. (nếu có thể kèm thời gian thì càng tốt)

-         Tiếp theo hãy viết ra cách để khắc phục những yếu thế của mình. (nếu có gắn với một con số nào đó thì sẽ tốt hơn, nó giúp bạn hình dung dễ dàng hơn cả quá trình của mình) 
 Nhớ nhé, đừng bỏ qua bước này, vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến việc phân chia thời gian sau đó đấy.

Bước 4: Tổng hợp lại bước 2 + 3 + 1
-         Sau khi đã xác định được những mục tiêu nhỏ và cả những yếu kém, thế mạnh của mình, bạn sẽ định hình được xem mình phải ưu tiên việc làm việc nào hơn, dành nhiều thời gian hơn cho phần việc nào
-         Cũng tới đây, bạn phải xem xét lại mức thời gian bạn đã đặt ra ở phần bước 1. Nếu thấy công việc quá nhiều, mà thời gian bạn sắp xếp ra lại ít quá thì nên điều chỉnh lại. Và nên nhớ: đây vẫn chưa phải là thời gian chốt lại sau cùng đâu, bạn vẫn còn phải xem xét tiếp ở phần sau đó.

Tạm thời đến đây thôi. Phần tiếp theo mình sẽ chia sẻ vào hôm sau






Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Ngày chia tay sao đến nhanh quá vậy?

Nhanh thật, tôi phải thốt lên như vậy! Đã ba thu qua dưới mái trường cấp ba, chợt ngoảnh lại thấy mình lớn thật rồi, lại sắp dời xa một ngôi trường nữa. Còn bao nhiêu ngày nữa nhỉ? Ừm, 12 ngày nữa thôi ...
Mới đầu tháng trước, tôi còn háo hức đến lễ tốt nghiệp, được mặc áo dài chụp ảnh với bạn bè. Vậy mà đến giờ phút này, cảm xúc ấy biến đi đâu hết, tôi chỉ muốn thời gian chầm chậm thôi, để tôi được lưu giữ từng khoảnh khắc cuối cùng bên bạn, bên mấy con nhóc suốt ngày chọc khoáy tôi, bên những cô bạn ngồi trong giờ cứ chốc lát lại tung tóc tôi lên, bên mấy đứa dở hơi cứ đến giờ ra chơi lại điên loạn hát và nhảy. Cả lớp biến thành một cái trại từ lúc nào không hay.

3 năm đã trôi qua rồi đó! Tôi vẫn còn nhớ nguyên vẹn cảm giác lần đầu tiên đặt chân vào trường cấp ba. Trường chuyên của tỉnh có khác, rộng thế. Ôi nhưng mà lớp mình ở tận tầng bốn cơ ==. Những khuôn mặt hớn hở sau một tháng hè chơi bời xả láng sau thi cấp ba. Có bạn còn nhận ra tôi ít nhiều đã khỏi bệnh dị ứng, xúc động thế! Có những bạn ở huyện lên, có vẻ rụt rè, ít nói, ngồi ở cuối lớp. Có những bạn ở trường cấp hai khác từng chạm mặt khi đi học thêm rồi. Tuy trường mới, lớp mới những vẫn là cảm giác thân quen tíu tít. Rồi hồi hộp chờ cô giáo mới, rồi mong ngóng cô giáo dạy chuyên Ai, ai sẽ dạy mình ba năm tới đây?? Rồi cuối buổi ra về với một chồng sách giáo khoa, một chồng vở ... Mùa nắng đầu tiên ở trường.



3 năm cấp ba này, có lẽ là những tháng ngày học trò tôi nhớ nhất! Chỉ ba năm, có biết bao điều xảy ra xung quanh cũng như những sự thay đổi của chính tôi. Lớp 10, tôi tìm được cho mình một người bạn thân thiết, rồi hai đứa cùng nhau tìm kiếm sự hoàn thiện cho chính mình. Tôi tự tin hơn rất nhiều, đã bạo dạn hơn đứng trước cả lớp, rồi toàn trường mà hát mà nhảy. Cũng những năm tháng đó, tôi tìm cho mình những ước mơ, và những người bạn của tôi, luôn sát cánh bên tôi, dù đôi khi thấy tôi lảm nhảm nhiều quá, không hiểu gì nhưng vẫn động viên tôi cố gắng. Có vui, cũng có buồn. Tôi vuột mất cơ hội du học, trượt ra khỏi đội tuyển học sinh giỏi, cố nèn lòng không bật khóc khi nghe cô giáo đọc tên những bạn sẽ tham gia kỳ thi. Cô bạn thân bên cạnh nắm chặt lấy tay, mắt nó dưng dưng. Chỉ mới đó thôi, vậy mà vài tuần sau hai đứa đã cãi nhau, rồi giờ thì cũng chả buồn nói với nhau câu nào. Ôi những vui buồn, ba năm qua tôi thấy cuộc đời không bình lặng. Ba năm qua tôi thấy con người cảm xúc phức tạp đến nhường nào. Ba năm, tôi hiểu mình, hiểu người hơn. Ba năm, tôi nhận thức được mình phải cố gắng nhiều thế nào để hoàn thiện bản thân, trải nghiệm cuộc sống, để mà trưởng thành.

Ba năm trôi đi, tôi trưởng thành hơn và tôi thấy vui vì điều đó. Nhưng mà ba năm cấp ba sắp trôi qua rồi, tôi không chắc mình sẽ khóc, nhưng tôi luôn thấy nao nao trong lòng, khi mà chợt ngồi lặng yên trong lớp nhìn và ngẫm về bè bạn, ngẫm về bản thân mình. Sẽ lại chia tay, mỗi đứa một trường, mỗi đứa một nẻo. Cuộc đời sao tránh được những buổi chia ly! Sau này gặp nhau trên đường, có nhận ra nhau nữa không? Có chào nhau được một tiếng? Có nhớ ngày xưa mày đánh tao suốt ngày, rồi mày giấu đồ của tao đi, ôi cái trại điên này? Tôi mường tượng ra nhiều thứ, nhưng rồi thấy mệt mỏi, những điều này không nói trước được, nó chập chờn quá. Thế đấy! Ta cứ trường thành lên, rồi ta mới thấy lưu luyến tuổi học trò vô tư nghịch ngơm đến nhường nào! Ngày chia tay ơi, đến chậm thôi, chạy chậm thôi, lững lờ thôi!! Cho tôi xin một chuyến đò đưa trong mười hai ngày tới, để tôi ôm hết những kỷ niệm, những khoảng khắc với lớp tôi, bạn tôi, thầy tôi, cô tôi. Ôi ngày chia tay! Ta chỉ biết thở dài ...

Tặng những người bạn và tất cả những học sinh cuối cấp

Chiếc lá đầu tiên 
Tác giả: Hoàng Nhuận Cầm

Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say

Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu

Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Bài ca đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học buâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm – rụng xuống trái bàng đêm

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi

“Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy!”
Mười chú chứ, nhìn xem, trong lớp ấy
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao)

Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa hoa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm

Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi

Em đã yêu anh, anh đã xa rồi
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên








Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Chọn trường đại học và tiêu chuẩn của xã hội?

Nói ra bạn có tin không?



Với những ai đang học lớp 12, đang ở tuổi mười tám, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, thì chọn trường quả là một vấn đề to tát. Thế nhưng hôm nay tôi sẽ không đi sâu vào việc bạn phải chọn trường thế nào, tôi chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ quan điểm của tôi về việc thấu hiểu bản thânsự lựa chọn.
Không phải ai ngay tại thời điểm họ mười tám, đôi mươi cũng xác định được ngay cho mình một hướng đi, một niềm đam mê, một ngành nghề mà mình thích, và điều này cũng không có gì đáng trách. Tuy vậy một câu hỏi đặt ra là nếu thế thì những người này chọn trường đại học làm sao, khi mà đến thời điểm tháng ba họ buộc phải điền vào hồ sơ dự thi đại học? Lúc này thì họ sẽ tiếp nhận lời khuyên từ những người xung quanh, bè bạn, thầy cô, gia đình. Những tư vấn viên tích cực đó sẽ nhiệt tình dành cho họ những lời khuyên, và hẳn là họ sẽ rất đau đầu khi chọn lọc. Ta cảm ơn những chuyên gia này, có rất nhiều những bài học đầu đời nằm ở đó.
 Thế nhưng đôi khi, đó lại là đầu mối của mọi vấn đề. Hãy cùng xem những câu chuyện này nhé:
 Cuộc đối thoại thứ nhất
-         Cháu học chuyên gì vậy?
-         Dạ cháu theo học chuyên Anh ạ.
-         Ôi thế thì lo gì, sau này ra ngoài kiếm được đầy tiền. Học chuyên Anh thì thi Ngoại thương là tốt nhất đấy.
Tôi thấy thật buồn cười ngay khi nghe một lời khuyên như vậy, bởi tôi không tìm được một mối liên hệ nào giữa chuyên Anh và Ngoại Thương cả. Người đưa ra lời khuyên này chỉ dựa trên hai điều, một là kiếm tiến nhiều và hai là học tiếng Anh trong trường Ngoại Thương – 1 cái lí lẽ thật lỏng lẻo. Thế nhưng, nếu lúc đó, tôi cũng tự tin mình là dân chuyên Anh, cũng mơ màng với cái tương lại nhiều tiền thì tôi chắc tôi cũng chọn ngay Ngoại Thương đấy mà chả cần hiểu nó là cái trường thế nào. Ồ, tôi không thể như vậy! Nhưng hay ho là xung quanh tôi thì vẫn có nhiều người như vậy.

Cuộc đối thoại thứ hai
-         Em dự định thi trường gì?
-         Em muốn thi vào Ngoại Thương chị ạ.
-         À lại trào lưu đúng không? Mà học chuyên Anh thì theo Ngoại Thương là quá đúng rồi.
TRÀO LƯU Ư??? Ai lại có thể vất tương lai mình cho mấy cái thứ “mốt” này chứ? Không phải tôi! Và xin đừng định nghĩa Chuyên Anh đi kèm với Ngoại Thương!!

Cuộc đối thoại thứ ba
Và còn cái này nữa mới hay! Đại loại cuộc nói chuyện là thế này. Tôi hỏi bạn mình:
-         Mày định thi trường nào?
-         Tao đang phân vân giữa Sư Phạm và Ngoại Thương? (có liên hệ với nhau à?)
-         Sao lại thế, tao thấy hai ngành này chả liên quan gì tới nhau cả? Mà trước đây mày bảo mày chỉ thi Ngoại Thương mà?
-         Ừ nhưng cái ngành Kinh tế đối ngoại ấy lấy điểm cao quá, tao thấy cũng sợ.
-         Ngoại Thương đâu phải chỉ có KTĐN đâu. Mà thực chất là mày có thích NT không?
-         Tao cũng không rõ.
-         Hơ thế thì lý do gì để mày chọn KTĐN? Hay vì mình là học sinh chuyên Anh??
Lần này thì tôi chủ động nói điều này. Và xem ra nó đúng vô cùng! Bạn thấy không, cô bạn tôi hiểu rõ bản thân mình ở tầm nào, và cũng tỏ ra sợ không đủ điểm đỗ, thế nhưng vẫn rất băn khoăn và tha thiết một cái chuyên ngành cao nhất của một cái trường “hot” nhất dù đó không phải là đam mê của cô ấy. Và phải là KTĐN chứ không phải là ngành khác vì KTĐN là đỉnh nhất.
Tôi đã nhiều lần hỏi cô ấy về điều này, tại sao cứ nhất thiết là KTĐN (mặc dù cô ấy cũng chả biết học KTĐN và các ngành khác khác nhau ở điểm nào – đã bảo là cô ấy không thích kinh tế mà!), nhưng xem ra tư tưởng chuyên Anh gắn với trường đỉnh, trường top nó làm lu mờ hết rồi! Thế mới thấy sức mạnh của tư tưởng trào lưu kia và cái danh của học sinh trường top nó lớn thế nào!!

3 cuộc đối thoại thế thôi, bình luận bên lề như vậy nhưng điều tôi muốn nói là hãy nhìn xem chúng ta đang đặt giá trị bản thân mình ở đâu trong mỗi sự lựa chọn như vậy, không chỉ riêng việc chọn trường đại học mà cả trong cuộc sống. Chúng ta có thật sự lắng nghe chính mình và cố gắng thấu hiểu chính mình không, hay lại đang áp đặt những tiêu chuẩn xã hội lên bản thân mình? Để rồi ngộ nhận rằng, ta xứng đáng, phù hợp với môi trường này, con đường này. Hay để rồi tự huyễn hoặc mình rằng, ta phải hoàn thành tất cả những chỉ tiêu này thì mới đứng được ở vị trí cao đáng tự hào. Để rồi lại lặp lại điệp khúc: dân chuyên Anh là phải vào Ngoại Thương, vào Ngoại Thương thì KTĐN mới là tuyệt vời nhất!  dường như đang dần được coi là chuẩn mực xã hội.
Đừng gò mình sống theo tiêu chuẩn như vậy chứ! Đừng biến mình thành một con người tưởng như “mẫu mực” của xã hội như vậy chứ! Đừng biến mình thành người khác một cách ngớ ngẩn lãng xẹt như vậy chứ! Bạn có cùng suy nghĩ với tôi không?

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Lối đi không có dấu chân người

Trong rừng có nhiều lối đi
Và tôi chọn lối đi không có dấu chân người




Khi bước vào tầm tuổi đôi mươi, tôi nghĩ trong mỗi người, dù ít hay nhiều cũng đều có cái gọi là sự trưởng thành. Sở dĩ nói như vậy bởi đó là khi chúng ta bắt đầu phải suy nghĩ, phải lựa chọn một hướng đi cho cuộc đời mình. Nối gót những bậc tiền bối trên con đường họ đã mở ra hay tự chọn cho mình một lối đi mới? Ta cũng phải suy nghĩ nhiều lắm để trả lời câu hỏi ấy. Còn với nhà thơ người Mỹ Robert Frost thì:
Trong rừng có nhiều lối đi
Và tôi chọn lối đi không có dấu chân người
“Lối đi” là con đường, cách thức dẫn ta đến cái đích, cái kết quả mà mình mong muốn. Và thực tế có rất nhiều lối đi! Lối mòn, ngõ cụt, đường quanh co, có con đường dài, còn có cả đường tắt.... Cuộc đời thực cũng có rất nhiều con đường tựa như “một khu rừng có nhiều lối đi”, ngã rẽ, tựa như một bó những sợi dây định mệnh ta cầm trên tay mà không biết sợi nào là dành cho mình. Cuộc đời cũng như một cái mạng nhện khiến ta dễ đi lạc để rồi “mắc bẫy” nếu thiếu sự chủ động và tỉnh táo. “Tôi chọn” là sự chủ động, tích cực trong việc lựa chọn hướng đi cho chính mình. Và ở đây, nhà thơ người Mỹ chọn một “lối đi không có dấu chân người”. Đó là con đường mà chưa ai từng men theo, là một con đường mới, cách thức mới, là kết quả của sự sáng tạo, của những nỗ lực tự khẳng định chính mình. Có thể thấy, Robert Frost có sự chiêm nghiệm sâu sa về lẽ ở đời của riêng ông, rằng những con đường đi tới thành công, tới một cuộc sống hạnh phúc cũng giống như sáu tỉ cánh cửa dẫn tới cõi Niết Bàn, nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm ra cánh cửa của riêng mình với một sự chủ động tích cực, để tạo ra những giá trị thực sự cho cuộc sống.
Có lẽ giờ bạn đang tự hỏi tại sao việc chủ động lựa chọn một lối đi riêng lại cần thiết đến vậy? Có nhất thiết ta cứ phải đứng ra ngoài đám đông thay vì hòa lẫn nó? Vậy thì đầu tiên, hãy nhìn vào chính con người bạn. Mỗi người chúng ta có một khả năng nhận thức, suy nghĩ, quan niệm và cách nhìn khác nhau về giá trị sống và giá trị bản thân. Bạn khác tôi, chúng ta khác nhau và cũng khác rất nhiều người. Biết đến bao giờ, khi nào ta mới có thể tìm giữa bảy tỉ dân số thế giới kia một con người cùng chí hướng, cùng chung bản chất như ta để cùng đi một con đường, rồi lại san sẻ nhau cùng một số phận. Có thể một lúc nào đó, ta sẽ tìm được nhưng chẳng nhẽ ta lại cứ phải đợi chờ như vậy sao? Hãy dám tự bước đi. Cuộc sống có nhiều lối đi, thật phong phú biết bao và ở mỗi lối đi lại chứa đựng cả những cơ hội và thử thách. Nếu bạn chọn học theo ngành Y hay Kinh doanh, bạn khởi động chuyến đi bằng việc xin đi du học nước ngoài, thì có thể bạn sẽ có cơ hội để học tập ở môi trường thực tế hơn, năng động hơn nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn như sốc văn hóa, phải tự kiểm soát cuộc sống chính mình, hay tự quản lí thời gian làm sao cho “ngon lành” ... Không chỉ vậy, bạn cần nhận thức một thực tế là cuộc sống luôn vận động, phát triển theo quy luật tiến hóa của loài người và cộng đồng. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Bởi vậy, nếu ta lặp lại một lối đi người khác đã chọn, có thể ta sẽ trở nên lạc hậu, lỗi thời, và không tìm được tới cái đích thành công. Đời cũng như biển vậy, có lúc nào biển ngừng động đâu, và có khi nào con tàu lại không khỏi rung lắc trên sóng cả.
Tuổi mười tám, ta cứ loay hoay như một con rối ở giữa những ngã rẽ cuộc đời vậy. Làm thế nào để tìm được một lối đi cho riêng bản thân mình? Dù làm điều gì đi chăng nữa, trước hết ta cần nhận thức về thực tế đời sống và chính bản thân mình. Hiểu đời và hiểu mình là hai lẽ tất yếu để tạo nên thành công. Khi bạn có sự hiểu biết về điều kiện, môi trường xung quanh, bạn sẽ nắm bắt được những cơ hội và may mắn. Khi bạn có sự hiểu mình, bạn biết mình cần làm gì, ứng dụng kiến thức gì để đạt được điều bạn muốn. Bên cạnh đó, bạn cần lắng nghe bản thân mình, hãy tìm xem mình đâu là sở trường, là điểm mạnh của mình. Tận dụng thế mạnh cũng có nghĩa là bạn đang tận dụng tối đa năng lực của mình để hoàn thành công việc một cách tốt đẹp nhất. Cũng như chỉ có những hạt mầm tốt mới có thể gieo trồng nên những cái cây đầy sức sống nhất.
Bạn biết không, trong thế giới của chúng ta có những “ông trùm” - họ rất thú vị và khôn khéo từ khi còn nhỏ. Như ông trùm xứ Omaha, người giàu thứ ba thế giới Warren Buffett, từ khi chỉ mới là một đứa trẻ mười một tuổi, thường lân la đến nơi cha làm việc đã tự mình tìm hiểu về những con số khô khan trên bản niêm yết giá ở Harris Upham. Ông còn có một khả năng tính toán rất nhanh và chính xác và từ khi lên tám tuổi đã đọc các cuốn sách về thị trường chứng khoán. Những tư duy đầu đời đó đã khơi nguồn cho ý tưởng mua cổ phiếu và đầu tư, những bước đi đầu tiên trên chặng đường làm giàu. Ta tự hỏi nếu như những con số kia không lọt vào óc của cậu bé Warren Buffett, nếu như cậu bé đó không biết tận dụng những đồng tiền nhỏ lẻ của mình để mua cổ phiếu, nếu như cậu bé không biết tận dụng khả năng tính toán chính xác của mình vào các chiến lược đầu tư kinh doanh, thì hẳn ta đã không biết đến một nhà đầu tư tài ba bậc nhất Warren Buffett của ngày hôm nay. Còn ông trùm máy tính Bill Gates thì sau khi đã nạp đầy bộ nhớ của mình những cuốn tạp chí kinh doanh khi mới mười lăm tuổi, đã cùng một người bạn thân đi kinh doanh huy hiệu trong cuộc vận động tranh cử tổng thống. Cậu bé này đã bỏ tiền ra mua năm nghìn huy hiệu với giá năm xu một cái. Sau đó, khi những chiếc huy hiệu này được những người sưu tầm săn lùng, cậu bán lại với giá hai mươi lăm đô một cái. Câu chuyện này không liên quan đến máy tính, nhưng lại là một bài học cho tất cả những người theo đuổi giấc mơ kinh doanh.
Không phải ai đi rồi cũng sẽ đến đích theo ý mình. Bởi một con đường mới đem đến cho ta cả cơ hội và cả những khó khăn thử thách. Để vượt qua những trở ngại đó, ta không chỉ dựa trên năng lực bản thân mà còn cần tự củng cố cho mình về mặt tinh thần. Giả dụ như bạn hình thành một ý tưởng lớn, một ý tưởng mới, một ý tưởng có khả năng thay đổi chính bạn một cách tích cực nhất. Có thể đồng nghiệp yêu quý bạn, nói rằng họ ủng hộ bạn, nhưng thực chất không phải ai cũng mong chờ sự thay đổi của bạn đâu. Có rất nhiều người mà sâu trong thâm tâm họ muốn mọi thứ cứ nguyên vẹn, để họ không phải làm quen lại với con người mới sau này của bạn, và thay đổi động lực của họ với bạn. Đó là bởi ý tưởng mới, con đường mới hoàn toàn có thể thay đổi cán cân quyền lực. Lúc này chỉ còn lại mình bạn bơ vơ ở chính nơi mình làm việc, và đó cũng là lúc bạn cần tỉnh táo và củng cố niềm tin của mình hơn bao giờ hết. Bạn cần có một thái độ sống can đảm, dám đương đầu với dư luận, chịu trách nhiệm về công việc của mình. Ngay trong thực tế, bạn cũng có thể tìm thấy những tấm gương nổi bật. Đó là Khánh Thy - kiện tướng dancesport, người đã mang bộ môn khiêu vũ thể thao của thế giới đến với Việt Nam. Có thể nói đây là một điều rất khó khăn bởi đã có thời điểm, người dân ta có cái nhìn không tích cực lắm về bộ môn nghệ thuật này. Đó còn là LK, Mr.T, ... những cái tên còn rất trẻ nhưng đã xây dựng và phát triển nền rap Việt, một hình thức nghệ thuật rất mới ở Việt Nam và thậm chí, những người lớn tuổi còn cho rằng nó rất điên loạn, trở nên phổ biến và  được nhiều bạn trẻ đón nhận và yêu thích. Chọn một lối đi cho riêng mình, đôi khi cũng là một cách thử bản lĩnh của chính mình.
Bên cạnh đó, ta cần có sự nhạy bén với những cơ hội. Hãy tự biến mình thành chiếc ra - đa bén nhạy để có thể bắt “sóng” cơ hội ở mọi thời điểm. Và hơn hết là khả năng hành động, giải quyết yêu cầu của công việc. Một người bị câm thì không thể trở thành một nhà diễn thuyết nổi tiếng được. Thay vì cứ mông lung giữa những suy nghĩ không rõ ràng về con đường riêng mà ta chọn, tôi nghĩ chúng ta nên cầm bút và viết ra những gì ta có thể làm, những gì ta tự tin mình hoàn thành tốt. Như tôi đã nói ở trên, bạn cần phải nhìn ra điểm mạnh của mình, và đặc biệt là hãy sử dụng nó như những chiếc chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới thành công. Tuy vậy, ta cũng cần nhận thức một điều rằng không phải chỉ có tạo ra một con đường riêng, ta mới có thể thành công. Trong cuộc sống xung quanh ta vẫn có rất nhiều những người, dù không có một định hướng mới mẻ, khác biệt, họ vẫn tạo nên dấu ấn của riêng mình. Dù bạn đi trên con đường đã từng có dấu chân người, thì bằng trí óc, tâm hồn mình, bạn vẫn tạo nên hương sắc riêng cho những tạo vật trên đường.
Có thể nói hai câu thơ của Robert Frost là một nguồn độc lực thôi thúc con người, đặc biệt là những người trẻ tuổi trẻ lòng đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời có nhiều cơ hội cũng như rủi ro. Và cũng chính nó đã tạo nên một nguồn cảm hứng sáng tạo để con người tìm ra một con đường mới chủ động hơn. Không chỉ vậy, tác giá của hai câu nói này là một nhà thơ - người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo dồi dào. Bởi vậy, tiếng thơ kia còn là một yêu cầu nghiêm khắc người nghệ sĩ cất lên để nhắc nhở bản thân mình cũng như những ai cầm bút sáng tác, rằng nghệ thuật phải đi cùng với sự sáng tạo. Sáng tạo làm nên giá trị và ý nghĩa cho cả tác phẩm và người viết, như Suối nguồn, cuốn tiều thuyết hay nhất thế kỷ XX của Ayn Rand, hay một Harry Potter kinh điển của bà góa phụ J. K. Rowling của thế kỷ XXI ...
Tuổi hai mươi bạn thấy mình như một con thiêu thân vậy, luôn khát khao hướng về ánh sáng bất chấp sức nóng của lửa đèn. Đã đến lúc những người trẻ tuổi trẻ lòng như tôi, như bạn cần tỉnh táo tìm cho mình một lý tưởng, một lối đi. Lối đi đó có thể riêng, có thể chung nhưng điều quan trọng là hãy để tâm hồn và trí óc bạn lan tỏa tinh hoa cho nhân loại. Và dù bạn ở đâu, làm gì, cuộc sống có ra sao, bạn cũng cần luôn thôi thúc mình sáng tạo và bản lĩnh đi tới cùng những ý tưởng, định hướng của mình. Hãy trở nên khác biệt một cách tích cực, cho dù xung quanh ta, có những con người không thỏa mãn với điều đó của ta. Cái giá của việc làm cừu là nhàm chán, cái giá của việc làm sói là cô đơn. Vậy bạn chọn làm cừu hay làm sói?