Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Chọn trường đại học và tiêu chuẩn của xã hội?

Nói ra bạn có tin không?



Với những ai đang học lớp 12, đang ở tuổi mười tám, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, thì chọn trường quả là một vấn đề to tát. Thế nhưng hôm nay tôi sẽ không đi sâu vào việc bạn phải chọn trường thế nào, tôi chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ quan điểm của tôi về việc thấu hiểu bản thânsự lựa chọn.
Không phải ai ngay tại thời điểm họ mười tám, đôi mươi cũng xác định được ngay cho mình một hướng đi, một niềm đam mê, một ngành nghề mà mình thích, và điều này cũng không có gì đáng trách. Tuy vậy một câu hỏi đặt ra là nếu thế thì những người này chọn trường đại học làm sao, khi mà đến thời điểm tháng ba họ buộc phải điền vào hồ sơ dự thi đại học? Lúc này thì họ sẽ tiếp nhận lời khuyên từ những người xung quanh, bè bạn, thầy cô, gia đình. Những tư vấn viên tích cực đó sẽ nhiệt tình dành cho họ những lời khuyên, và hẳn là họ sẽ rất đau đầu khi chọn lọc. Ta cảm ơn những chuyên gia này, có rất nhiều những bài học đầu đời nằm ở đó.
 Thế nhưng đôi khi, đó lại là đầu mối của mọi vấn đề. Hãy cùng xem những câu chuyện này nhé:
 Cuộc đối thoại thứ nhất
-         Cháu học chuyên gì vậy?
-         Dạ cháu theo học chuyên Anh ạ.
-         Ôi thế thì lo gì, sau này ra ngoài kiếm được đầy tiền. Học chuyên Anh thì thi Ngoại thương là tốt nhất đấy.
Tôi thấy thật buồn cười ngay khi nghe một lời khuyên như vậy, bởi tôi không tìm được một mối liên hệ nào giữa chuyên Anh và Ngoại Thương cả. Người đưa ra lời khuyên này chỉ dựa trên hai điều, một là kiếm tiến nhiều và hai là học tiếng Anh trong trường Ngoại Thương – 1 cái lí lẽ thật lỏng lẻo. Thế nhưng, nếu lúc đó, tôi cũng tự tin mình là dân chuyên Anh, cũng mơ màng với cái tương lại nhiều tiền thì tôi chắc tôi cũng chọn ngay Ngoại Thương đấy mà chả cần hiểu nó là cái trường thế nào. Ồ, tôi không thể như vậy! Nhưng hay ho là xung quanh tôi thì vẫn có nhiều người như vậy.

Cuộc đối thoại thứ hai
-         Em dự định thi trường gì?
-         Em muốn thi vào Ngoại Thương chị ạ.
-         À lại trào lưu đúng không? Mà học chuyên Anh thì theo Ngoại Thương là quá đúng rồi.
TRÀO LƯU Ư??? Ai lại có thể vất tương lai mình cho mấy cái thứ “mốt” này chứ? Không phải tôi! Và xin đừng định nghĩa Chuyên Anh đi kèm với Ngoại Thương!!

Cuộc đối thoại thứ ba
Và còn cái này nữa mới hay! Đại loại cuộc nói chuyện là thế này. Tôi hỏi bạn mình:
-         Mày định thi trường nào?
-         Tao đang phân vân giữa Sư Phạm và Ngoại Thương? (có liên hệ với nhau à?)
-         Sao lại thế, tao thấy hai ngành này chả liên quan gì tới nhau cả? Mà trước đây mày bảo mày chỉ thi Ngoại Thương mà?
-         Ừ nhưng cái ngành Kinh tế đối ngoại ấy lấy điểm cao quá, tao thấy cũng sợ.
-         Ngoại Thương đâu phải chỉ có KTĐN đâu. Mà thực chất là mày có thích NT không?
-         Tao cũng không rõ.
-         Hơ thế thì lý do gì để mày chọn KTĐN? Hay vì mình là học sinh chuyên Anh??
Lần này thì tôi chủ động nói điều này. Và xem ra nó đúng vô cùng! Bạn thấy không, cô bạn tôi hiểu rõ bản thân mình ở tầm nào, và cũng tỏ ra sợ không đủ điểm đỗ, thế nhưng vẫn rất băn khoăn và tha thiết một cái chuyên ngành cao nhất của một cái trường “hot” nhất dù đó không phải là đam mê của cô ấy. Và phải là KTĐN chứ không phải là ngành khác vì KTĐN là đỉnh nhất.
Tôi đã nhiều lần hỏi cô ấy về điều này, tại sao cứ nhất thiết là KTĐN (mặc dù cô ấy cũng chả biết học KTĐN và các ngành khác khác nhau ở điểm nào – đã bảo là cô ấy không thích kinh tế mà!), nhưng xem ra tư tưởng chuyên Anh gắn với trường đỉnh, trường top nó làm lu mờ hết rồi! Thế mới thấy sức mạnh của tư tưởng trào lưu kia và cái danh của học sinh trường top nó lớn thế nào!!

3 cuộc đối thoại thế thôi, bình luận bên lề như vậy nhưng điều tôi muốn nói là hãy nhìn xem chúng ta đang đặt giá trị bản thân mình ở đâu trong mỗi sự lựa chọn như vậy, không chỉ riêng việc chọn trường đại học mà cả trong cuộc sống. Chúng ta có thật sự lắng nghe chính mình và cố gắng thấu hiểu chính mình không, hay lại đang áp đặt những tiêu chuẩn xã hội lên bản thân mình? Để rồi ngộ nhận rằng, ta xứng đáng, phù hợp với môi trường này, con đường này. Hay để rồi tự huyễn hoặc mình rằng, ta phải hoàn thành tất cả những chỉ tiêu này thì mới đứng được ở vị trí cao đáng tự hào. Để rồi lại lặp lại điệp khúc: dân chuyên Anh là phải vào Ngoại Thương, vào Ngoại Thương thì KTĐN mới là tuyệt vời nhất!  dường như đang dần được coi là chuẩn mực xã hội.
Đừng gò mình sống theo tiêu chuẩn như vậy chứ! Đừng biến mình thành một con người tưởng như “mẫu mực” của xã hội như vậy chứ! Đừng biến mình thành người khác một cách ngớ ngẩn lãng xẹt như vậy chứ! Bạn có cùng suy nghĩ với tôi không?