Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

5 sự thật cuộc sống



Trong cuộc sống, người ta đi tìm kiếm điều gì và tìm thấy cái gì? Tôi ngẫm nghĩ rất lâu và rút ra một điều rằng chúng ta đi tìm những thứ khác nhau, nhưng trên con đường đó, chúng ta gặp nhau ở nơi cất giấu sự thật. Vâng, chúng ta đều tìm thấy sự thật của cuộc sống - những sự thật chúng ta mong mỏi nhìn thấy, nhưng cũng có thể sợ hãi và trốn tránh. Theo David Richo - một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ thì có 5 điều định sẵn vốn luôn luôn hiện hữu trong mỗi đời người:
“Mọi thứ đều thay đổi và chấm dứt.
Mọi việc luôn không diễn ra theo kế hoạch.
Cuộc sống không phải luôn công bằng.
Đau khổ là một phần tất yếu của đời sống.
Người khác không luôn luôn yêu thương và trung thành với chúng ta.
                                                        (Trích 5 sự thật không thể thay đổi).
Sự thật, như cách nói của Lech Kaczyński - cố tổng thống Ba-lan, luôn luôn giải phóng cho con người kể cả sự thật đau đớn nhất. Những sự thật David Richo nói đến ở trên đều là những sự thật đau đớn. Chúng rất đúng, đúng một cách phũ phàng, và dường như chúng muốn phủi bỏ hết tất cả những vẻ đẹp của cuộc sống. Nhìn vào ý nghĩa bề nổi, người ta sẽ có cảm giác chả thiết sống nữa. Nhưng hãy nhìn và thử lắng chìm trong ý nghĩa bề sâu.
Bạn tìm thấy gì trong những câu nói của David Richo?
Sự thật đầu tiên: Mọi thứ đều thay đổi và chấm dứt. Tôi thu gọn “mọi thứ” của David Richo vào hai điều lớn của con người: thời gian sống và tình cảm trong lòng người.
Cuộc sống là những chuyến đi mà trong đó, ta là người lữ hành di chuyển trên những chặng đường, có những điểm đến khác nhau, và có những hồi kết.
Chúng ta đứng giữa một không gian bốn chiều mà ở chiều thứ bốn - thời gian, chúng ta vận động liên tục. Mỗi ngày trôi đi, bạn lớn lên một chút. Ngày trôi qua, tóc mẹ cha lại bạc đi nhiều. Và Mẹ Tạo hóa không bao giờ tặng cho những đứa con của Người một sức bền vĩnh cửu. Trong chiều thời gian, đến một lúc nhất định, ta phải dừng lại mãi mãi. Đó cũng là khi chuyến đi cuộc đời dừng lại và kết thúc.
Trong cuộc hành trình của riêng mỗi người, ta kết bạn với những người lữ hành khác. Những mối quan hệ hình thành, cùng với nó là những lý tưởng, hướng đi chung, những san sẻ và cả những mâu thuẫn. Nhưng lòng người có thể đổi khác, không ai, kể cả tôi, tự nhận rằng mình không thay lòng đổi dạ trong suốt một khoảng thời gian dài. Đừng hiểu rằng tôi nói chúng ta dần xấu xa đi. Chỉ là một khi bạn thấy không thoải mái trong một mối quan hệ nào đó, bạn sẽ tự động rời bỏ người lữ hành kia, chắc chắn là vậy.
Kỳ thực trong cuộc sống cũng có những điều mang tính vĩnh hằng, như là niềm tin tôn giáo, tình mẫu tử, niềm đam mê, tình yêu quê hương đất nước hay nỗi buồn đi suốt cuộc đời của đứa trẻ bị bỏ rơi. Tôi tin là mỗi người đều có một “hố đen” của mình, nơi cất giữ những giá trị vĩnh cửu. Nhưng ta vẫn cần phải đối diện với những “thay đổi” và “chấm dứt”. Bởi điều mà bạn thấy ngày hôm nay không giống với điều bạn chứng kiến trong quá khứ, và tất nhiên là cả trong tương lai. Đừng mong tìm thấy dấu chân mình trên cát sa mạc. Đừng mong tìm thấy dấu vân tay mình ở những nơi bạn từng đặt tay. Đừng mong đứng đúng vị trí ngày trước bạn đã từng đứng. Đừng mong mọi thứ luôn tròn vẹn ở một trạng thái. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Thấu hiểu được rằng, lòng người có thể đổi khác, và tình yêu, niềm tin... có thể chấm dứt, ta sẽ đỡ bất ngờ và hoang mang khi bị cuộc sống tặng cho một cái tát đau điếng. Tôi không muốn bị ăn tát rồi tôi mới bừng tỉnh.
David Richo nói: Mọi việc luôn không diễn ra theo kế hoạch.
Tôi rất thích thú với một nhận định của Einstein trong thuyết tương đối của ông: Mọi thứ chỉ mang tính tương đối, không có gì là tuyệt đối. Thật đúng quá, tôi nghĩ, chúng ta không nên đòi hỏi một sự chính xác tuyệt đối cho những bản kế hoạch cuộc đời. Bởi luôn có những ngoại cảnh, những điều bất ngờ mà cuộc sống che giấu. Chúng ta không phải là những nhà tiên tri có khả năng nhìn thấu tương lai. Chúng ta không đoán trước được những điều xảy đến, cho dù bạn là thiên tài, bạn có sáng suốt hay may mắn thế nào đi chăng nữa. Những tai nạn hay những món quà bất ngờ luôn có thể xuất hiện trên con đường đi của bạn. Chúng ta có thể lập trình hoàn hảo một phần mềm, nhưng trong cuộc sống, chúng ta đều là những “nhà lập trình” thất bại.
Dẫu biết vậy, chúng ta vẫn cần những bản kế hoạch. Bởi chúng ta cần có sự chuẩn bị. Bạn không thể cứ làm mà không cần biết bạn sẽ cần phải làm gì, và phải đầu tư thời gian như thế nào. Nếu như vậy, ta lại biến thành kẻ làm liều. Không! Chúng ta phải vạch ra được những kế hoạch, dự định cho tương lai, cho những điều mà chúng ta có khả năng kiểm soát. Các công ty bán hàng như Apple, Samsung, LG... vẫn luôn phải có các bản thảo ước tính doanh thu trong từng quý, từng năm. Các nhà kinh tế học phải ước tính mức tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới, và đó là một công việc khá quan trọng. Những dự định đó mang tính chất tương đối, nhưng nó vẫn đảm bảo cho bạn khoảng 70% thành công. Vậy nên đừng bỏ quên việc lập trình cho tương lai của bạn.
Tôi nghĩ điều David Richo muốn giác ngộ ở đây không phải là những bản kế hoạch thiếu chuẩn xác và vô ích thế nào mà là khuyên chúng ta hãy chuẩn bị tâm lý để đón nhận những bất ngờ từ cuộc sống. Con người cần học cách tùy cơ ứng biến, phải tự dạy mình những “phản ứng có điều kiện” trước những sự kiện ngoài tầm định liệu. Kế hoạch là bảo bối của những kẻ cẩn thận, còn bản lĩnh đối mặt với những điều ngoài kế hoạch là bảo bối của những kẻ khôn ngoan. Tôi nghĩ chúng ta cần cả hai điều này.

Sự thật thứ ba, David Richo nói: Cuộc sống không phải luôn công bằng
Vâng, tôi công nhận như vậy, một cách rất chua xót. Bởi chúng ta được sinh ra với những hoàn cảnh khác nhau, lớn lên trong những môi trường khác nhau và bản thân chúng ta cũng khác nhau trong tính cách và trí tuệ, từ đó chúng ta được cuộc đời ban cho những cơ hội khác nhau. Nhưng chua xót là cảm giác mà chúng ta buộc phải trải nghiệm và chịu đựng. Vì sao ư?
Nếu như cuộc sống công bằng, con người sẽ không bao giờ biết đến hai từ thất bại khi mà họ đã bỏ ra quá nhiều tài năng và công sức. Họ sẽ không phải thất bại nhiều lần rồi mới đến thành công, không phải đánh đổi quá nhiều thứ để gạt bỏ trở ngại và đạt được thành công. Thật tiếc là con người vẫn luôn phải đối diện với thất bại thảm hại. Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã từng bị đánh bại ở tất cả các vị trí trong những cơ quan chính phủ mà ông xin vào. Thomas Edison đã phải làm thí nghiệm 10.000 lần, và đã đều thất bại trước khi phát minh ra bóng đèn điện.
Nếu cuộc sống công bằng, con người ta sẽ đứng đúng vị trí, địa thế của mình mà không ai tranh giành hay tước đoạt. Thật tiếc là thực tế, vẫn có quá nhiều kẻ không có tài năng lại có thể ngồi lên chiếc ghế lãnh đạo, và rất nhiều những người tài giỏi lại không có cơ hội được phát triển năng lực của mình. Mới gần đây, dư luận xôn xao với thông tin Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, ông Đặng Minh Tuấn sử dụng bằng trung học phổ thông giả. Rồi ta chua xót trước những giọt nước mắt của du học sinh, khi họ đứng trước hai sự lựa chọn: ở lại nước bạn để được phát triển bản thân hay trở về nước để một ngày nào đó nhìn thấy mình tàn lụi.
Nếu cuộc sống công bằng, những kẻ tham nhũng sẽ phải chịu án đằng sau song sắt nhà giam. Thật tiếc, con số đó quá nhỏ, vẫn còn rất nhiều kẻ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Pháp luật không thế đảm bảo sự công bằng tuyệt đối. Có thể những quan chức chính phủ họ biết, nhưng tại sao họ không lên tiếng, ta vẫn luôn tự đặt những câu hỏi như vậy.
Như thế, David Richo lại một lần nữa dạy ta rằng hãy biết chấp nhận, đừng kỳ vọng quá nhiều và tin lầm lối. Tránh kỳ vọng để nếu một ngày kia những sự phi lý xảy ra trước mắt bạn hay với chính bạn, bạn không suy sụp, bạn vẫn có thể bình tĩnh để tìm cho mình một hướng giải quyết hợp lý. Và có một điều tôi chiêm nghiệm thế này: từ truyền thuyết cho tới truyện cổ tích hay thần thoại, người chiến thắng là những kẻ tỉnh táo hơn cả trước những mê hoặc và đòn đánh lén của cuộc sống.
Còn sự thật thứ tư: Đau khổ là một phần tất yếu của cuộc sống.
Tôi phải thốt lên: Đúng quá! Và tôi tin là ai cũng phải công nhận như vậy.
Bởi thực tế nghiệt ngã đã chứng minh quá nhiều. Ở một số nơi trên thế giới này, khi nhìn vào cuộc sống, người ta đã phải tự hỏi mình định nghĩa nào dành cho sự bất hạnh và đau khổ. Cái sự bất hạnh của nghèo đói, bất hạnh của thất học, bất hạnh của chiến tranh .... Những trẻ em nghèo ở vùng núi Việt Nam không được đi học, không có đủ quần áo mặc những ngày đông với cái rét tái tê miền núi. Có những em bé chơi đùa bên đống phế thải da thuộc ở Dhaka, Bangladesh. Có tới hơn 60.000 người dân nam Sudan ngày ngày chờ đợi những đoàn tiếp tế lương thực từ chính phủ và các tổ chức quốc tế. Những trẻ em Syria không thể rơi thêm nước mắt vì đã khóc quá nhiều nhưng cứ luôn run rẩy khi bị nã pháo và phải ngồi đó chờ bác sĩ khám. Nhiều nhiều lắm những cảnh đời bất hạnh, phải chịu đựng những tận cùng của đau khổ.


Còn bản thân mỗi người, chúng ta cũng đau khổ khi chúng ta thất bại, khi một mối quan hệ rạn nứt hay khi bế tắc không tìm được hướng đi mới. Đối diện với tất cả những thứ đó, nhiều người tìm cách trốn tránh. Đó không phải là cách hay, đó chỉ là một giải pháp tạm thời. Có thể bạn trốn tránh, bạn sẽ tạm quên đi những buồn đau thực tại. Bạn cười nhưng đó không phải là nụ cười thoải mái nhất. Tôi không làm vậy, tôi chấp nhận đối diện với những đau khổ và tôi tin đó là điều David Richo muốn nhắc nhở. Đầu tiên, tôi sẽ cứ để mình trải hết nỗi buồn, vì tôi cần phải giải phóng cảm xúc. Bạn có thể tâm sự với một người bạn thân, viết nhật ký hay đạp xe về quê, thả mình vào không gian tĩnh lặng của vườn tược. Sau đó, tôi sẽ lại tiếp tục cuộc sống, với công việc, với gia đình và bạn bè, đạp lên những thất bại mất mát kia. Là như vậy, tôi không để những đau khổ giam tôi vào phòng và cướp đi cuộc sống của tôi.
Điều cuối cùng David Richo nói tới Người khác không luôn luôn yêu thương và trung thành với chúng ta.
Nhiều người phản bác lại: Không, vẫn có gia đình luôn yêu thương và trung thành với chúng ta. Tôi gật gù, đúng là chúng ta vẫn luôn tin là thế, nhưng không phải tất cả các gia đình đều như vậy. Vẫn có những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, vẫn có người chồng đang tâm bán vợ mình đi, vẫn có người chồng người cha nát rượu trở về đánh đập vợ con. Ở những nơi đó, người ta không còn tin vào giá trị gia đình nữa, họ đã nhìn thấy sự thật mà David Richo nói.
Còn những người ngoài gia đình, tôi nghĩ họ chỉ là những người đi ngang qua đời ta. Và không có sợi dây nào trói buộc tình cảm và trách nhiệm của họ với chúng ta. Ta cần nhận ra điều đó, để ta không hoang mang khi bị bỏ rơi và phản bội, để không chết lặng trong khoảnh khắc bị đâm lén sau lưng.
Nhưng có nên chăng khi bạn không yêu thương ai nữa, khép kín tâm hồn mình? Không! Không phải, và không nên.
Dầu sự thật là người khác không luôn luôn yêu thương và trung thành với chúng ta, thì chúng ta vẫn cần lòng yêu thương để tồn tại và để sống cho có ý nghĩa. Những tâm hồn rộng mở luôn nhận được nhiều sự chào đón nồng nhiệt nhất của cuộc đời. Ta rộng mở lòng thì ta mới yêu thương được người và người mới trân trọng ta. Ta cũng cần lòng vị tha và sự bao dung để nâng đỡ những tâm hồn tội lỗi, để xóa đi những lỗi lầm mà họ gây ra và một lần nữa đón nhận họ trở lại trái tim mình. Và hơn hết vẫn là một niềm tin, tin rằng ta có thể tìm được những người tri kỷ, những người bạn thân và một tình yêu trọn vẹn. Họ là những mảnh ghép không thể thiếu trong cuộc đời chúng ta.
Những điều David Richo nói đã ám ảnh tôi, và sau nhiều suy ngẫm, tôi nhận ra rằng con người để có thể thực sự yêu quý cuộc sống này, phải học cách đón nhận chúng. Chúng ta chào đón chúng bằng trí tuệ, bản lĩnh, sự can đảm niềm tin và sự lạc quan. Có một trí tuệ thật sáng suốt để nhận ra đâu là sai lầm, đâu là đúng đắn, từ đó có cách hành xử hợp lý. Có bản lĩnh và sự can đảm để vững vàng trong mọi giây phút khó khăn và mọi khoảnh khắc tồi tệ nhất. Niềm tin và sự lạc quan cứu rỗi tâm hồn con người ra khỏi bóng tối của những thất bại và khổ đau. David Richo hẳn sẽ gật đầu đồng tình với tôi. Ông còn mở rộng hơn rằng: Một khi chúng ta học cách chấp nhận và ôm choàng lấy những thực tế nền tảng này, chúng ta sẽ nhận thức được rằng chính chúng là những gì chúng ta cần để có được lòng can đảm, tình thương và trí tuệ, nhờ đó tìm được hạnh phúc.
Sau cùng, tôi lại tự hỏi mình: Vậy sự thật có phải là điều tốt không? Lần này thì tôi gật đầu một cách nhanh chóng. Bởi hãy nhìn lại tất cả đi, tôi tin là những sự thật đó trao cho ta một điều vô cùng quý giá, đó là sự trưởng thành.


 Nguyễn Thị Minh Ngọc - chuyên Anh (2010 - 2013), THPT chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương
Copy yêu cầu ghi rõ nguồn

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Cách tạo lập kế hoạch cho bản thân (Phần III)

Cách tạo lập kế hoạch cho bản thân (Phần I)
Cách tạo lập kế hoạch cho bản thân (phần II)

Bước 3: Phân loại nhóm
Thường thì chúng ta có ba nhóm công việc: những công việc bắt buộc (những việc mà bạn phải hoàn thành trước hạn cuối nào đó) và nhóm công việc cố định (tuần nào cũng làm), và nhóm công việc thay đổi (tức là những công việc bạn dự định làm thêm, hay tự học mỗi tuần khác nhau, không mang tính cố định)
Ví dụ cho nhóm công việc bắt buộc
Sau khi có 3 nhóm như vậy rồi chúng ta bắt tay vào sắp xếp căn thời gian từng ngày

Bước 4: Sắp xếp thời gian cụ thể

-      Đầu tiên hãy liệt kê những công việc ngày nào bạn cũng làm. Bạn phải tính xem bạn cần bao nhiêu thời gian làm những việc đó trong một ngày, sau đó lấy số giờ mỗi ngày trừ đi số giờ bạn dành cho những công việc này.

Lúc này chỉ còn 2 nhóm công việc phức tạp kia, bạn cần tiến hành ra soát từng ngày các công việc, lịch trình của bạn.

-   Nhóm công việc bắt buộc nào!

Hãy viết thành một cột ngày, số giờ bạn có và bắt đầu gán các công việc bắt buộc vào các cột. Bên cạnh đó, bạn hãy xem xét để đưa ra một con số cụ thể số giờ bạn cần để hoàn thành những việc bắt buộc này. Mặc dù đây chỉ là ước chừng, không hoàn toàn chắc chắn về độ chính xác nhưng không nên ước chừng một số quá lớn so với số giờ bạn cho rằng mình thực sự cần. Ví dụ bạn vẫn thường hoàn thành soạn văn trong 2h, vậy tuần tới, hãy ước chừng một khoảng thời gian như vậy: 2h. Đừng kéo lên 3h, hay 4h, điều này chỉ tạo cho bệnh chần chừ của bạn phát triển thêm thôi.

Như thế này chẳng hạn


Bạn có thể dựng bảng như trên để kiểm soát các công việc tốt hơn, cân bằng được số giờ cho các nhóm công việc bắt buộc và những dự định riêng của bạn.

-       Nhóm công việc thay đổi
Tôi sẽ lấy luôn ví dụ cụ thể cho các bạn dễ hình dung. Như đối với các bạn học sinh thì bên cạnh việc hoàn thành bài tập bắt buộc, chúng ta nên tự học để nâng cao thêm kiến thức, nhưng nội dung tự học của mỗi ngày và mỗi tuần thì không cố định. Vậy nên hãy sắp xếp số giờ tự học cuối cùng và làm theo các bước nhỏ như sau
+ Tính số giờ còn lại của cả tuần
+ Tuần này bạn dự định tự học những môn gì
+ Với từng môn, bạn sẽ dành bao nhiêu giờ

 

Sau đó, bạn hãy sắp xếp các môn tự học đó vào cột Tự học của từng ngày tùy theo ý muốn của bạn

Đến đây, bạn đã có một lịch làm việc cụ thể cho một tuần mới rồi đó, khá dễ dàng phải không? Thế nhưng nếu bạn mới bắt đầu làm, bạn vẫn sẽ khá lúng túng đó. Hy vọng bài viết của tôi sẽ giúp bạn vơi bớt đi cảm giác này. Hãy tiến hành công việc này hàng tuần, bạn sẽ rút ra thêm cho mình những kinh nghiệm để mẫu kế hoạch của bạn càng chi tiết và hoàn thiện hơn, và bạn cũng tốn ít thời gian cho công việc này hơn. Như ban đầu, mình mất hơn nửa tiếng để lập kế hoạch một tuần và vẫn còn thiếu sót thì đến hiện tại, mình chỉ mất khoảng 10 phút là xong.
Mình xin chia sẻ với các bạn một mẫu kế hoạch mình lập trong năm học. Đây là khoảng thời gian mình tập trung ôn văn chuẩn bị cho thi thử lần 3 ở trường mình

Chúc các bạn có những tuần làm việc vui vẻ và hiệu quả nhé!! Series bài viết xin khép lại tại đây.