Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Cách tạo lập kế hoạch cụ thể (phần I)



Trò chuyện một chút nhé! Bạn đã từng cảm thấy một ngày 24h là quá ít? Bạn cảm thấy không đủ thời gian để hoàn thành bài tập, hay tham gia các hoạt động ngoài trời cùng bạn bè, hay nghỉ ngơi thư giãn với một quyển sách, một chút ca nhạc, ... Một ngày của bạn kết thúc lúc 12h đêm và 4h sáng hôm sau bạn lại lao mình vào công việc, bài vở để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới? Như thế thì thật là mệt mỏi. Thậm chí là sau cùng bạn nhận thấy việc học tập, lao động như thế không hiệu quả chút nào. Và kết quả cuối cùng của chuỗi ngày đó là sự chán nản, muốn bỏ cuộc, dừng lại ngay tức khắc, tôi chắc chắn một điều vậy đấy!
Sở dĩ tôi nói vậy vì tôi cũng đã trải qua những giờ phút như vậy rồi. Cuối cùng sau một thời gian dài, tôi nhận ra một điều: Không thực ra chúng ta không cần phải khiến cuộc sống thảm hại như vậy để mà hoàn thành những mục tiêu trước mắt. Chúng ta hoàn toàn có thể lao động tốt, học tập tốt, có thời gian nghỉ ngơi thư giãn mà vẫn đạt được kết quả như ý muốn (ừm , không hẳn 100%, nhưng cũng là 80 – 90%), nếu trước mỗi chặng đường bạn lập ra những MỐC THỜI GIAN cụ thể và quan trọng là một KẾ HOẠCH – THỜI GIAN BIỂU chi tiết cho những gì bạn dự tính sẽ phải làm.  
Tôi không tự nhận mình là một cá nhân xuất sắc, nhưng cũng là học sinh khá tốt trong lớp. Và bạn biết không, một thành tích cao là điều bạn mơ ước, nhưng niềm hạnh phúc thực sự là khi bạn nhìn thấy bản thân mình đã cố gắng thế nào, dần dần hoàn thiện thế nào, tôi dám cá vậy! Trước kia thì tôi không như vậy nhưng trong suốt năm lớp 12 vừa qua, tôi đã tiến hành lập kế hoạch cho việc học tập của mình, và tôi thấy rất vui khi thấy quá trình học tập của mình được cải thiện đáng kể, và việc ôn thi đại học của tôi cũng khá hiệu quả mà không hề quá mệt mỏi như nhiều người vẫn tưởng. Và thực sự công việc này rất thú vị, sau một thời gian dài, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc tạo lập kế hoạch và thời gian biểu cụ thể.
Thực ra điều này nói thì khá dễ nhưng khi mới bắt đầu thì ta lúng túng không biết nên xuất phát từ đâu. Ấy là ban đầu tôi thấy thế, và đó là lý do tôi viết blog này, để giúp các bạn đỡ lúng túng khi mới bắt tay làm quen với công việc. Tôi đã làm được và hiện tại nó là một việc không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Bạn cũng hãy thử làm theo tôi nhé!

Tào lao thế đủ rồi, giờ đi vào công việc chính nào! Tôi không có ý nói việc lập kế hoạch này chỉ hữu ích với riêng một đối tượng cụ thể nào, nhưng như tôi đã nói ở trên, tôi là một học sinh lớp 12 trong quá trình ôn thi đại học, vậy nên tôi sẽ chia sẻ luôn những bước thực hiện của mình làm ví dụ, hy vọng các bạn sẽ có một cái nhìn thấu đáo nhất về vấn đề này. Tôi nghĩ đối với các bạn/ em nào đang ôn thi đại học thì nó khá hữu ích đó!

Phần I: XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU

Bước 1: Lập ra mục tiêu cụ thể
-         Hãy hỏi mình xem bạn muốn đi đến cái mốc nào, cái đích rõ ràng thế nào. Một mục tiêu cụ thể sẽ là một nguồn động lực thôi thúc bạn cố gắng và cũng là một sự nhắc nhở thường trực với bạn
Ví dụ: bạn muốn đạt được bao nhiêu điểm trong kì thi đại học, bạn có muốn vào đội tuyển quốc gia không, bạn muốn tổng kết cuối kỳ của mình là bao nhiêu, bạn muốn được bao nhiêu điểm TOEFL iBT ...
-         Bạn muốn hoàn thành công việc này trong bao lâu? Hãy xem xét, ước lượng để đưa ra một con số. Hoặc là bạn còn bao nhiêu lâu nữa để hoàn thành việc này? Một mốc thời gian cụ thể là một điều vô cùng quan trọng đó. Nhớ đó nha! Bạn không định để cho câu nói: Nốt hôm nay cái đã cứ điệp đi điệp lại trong đầu bạn mỗi ngày chứ?
-         Hãy hỏi xem mình thực sự có khả năng để đạt được mục tiêu này hay không. Điều này không có nghĩa là bạn tự nhủ mình không có khả năng và đặt ra một mục tiêu thấp thôi, mà điều tôi muốn nói ở đây là ta cần kiểm soát độ “mơ mộng” của chính mình.
Ví dụ: Bạn có khao khát đi du học Mỹ nhưng bạn không phải dân chuyên Anh, cũng không thực sự học tốt tiếng Anh. Bạn lại đặt ra mục tiêu mình phải đạt được 2300/ 2400 SAT (một kỳ thi chuẩn hóa của Mỹ gần giống như thi đại học của Việt Nam) chỉ trong vòng 3 tháng ôn luyện thì tôi phải nói là bạn mơ mộng rồi đấy. Và sau 3 tháng nếu bạn không đạt được số điểm như vậy, hay một số điểm thấp hơn rất nhiều, tầm 1600 chẳng hạn thì bạn sẽ cực kỳ nản cho mà coi! Thế nên cứ bình tĩnh xem xét cân nhắc. Ước mơ phải đi kèm với thực tế, nếu không nó sẽ thành mơ mộng hay áp lực với chính bạn đó.

Bước 2: Xác định đối tượng nhỏ phải hoàn thành.
-         Hãy kể ra những mục tiêu nhỏ bạn cần phải đạt được trước khi đến với cái đích cuối cùng kia. 

-         Hãy liệt kê danh sách những việc bạn phải làm để đạt được mục tiêu đã đề ra
Ví dụ: để được 10 điểm toán khối D thi đại học
+ Phải ôn lại toàn bộ chuyên đề Toán từ lớp 10 đến lớp 12
+ Làm lại toàn bộ sách giáo khoa, sách bài tập toán những phần kiến thức thi đại học coi như ôn lại một lần nữa các chuyên đề
+ Thực hành các đề thi đại học các năm trước
+ Làm thêm các đề thi thử của các trường
(Mình lấy ví dụ thôi nhé, còn bạn làm thế nào thì lại tùy bạn)

Bước 3: Xác định thực tế bản thân
-         Công việc này rất quan trọng, bạn cần phải xem xét xem mình có điểm mạnh là gì, điểm yếu là gì để mà khắc phục điểm yếu, phát huy thế mạnh. Hãy viết ra những điều mình cảm thấy còn yếu kém, và những điều mình ổn rồi thành hai cột. (nếu có thể kèm thời gian thì càng tốt)

-         Tiếp theo hãy viết ra cách để khắc phục những yếu thế của mình. (nếu có gắn với một con số nào đó thì sẽ tốt hơn, nó giúp bạn hình dung dễ dàng hơn cả quá trình của mình) 
 Nhớ nhé, đừng bỏ qua bước này, vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến việc phân chia thời gian sau đó đấy.

Bước 4: Tổng hợp lại bước 2 + 3 + 1
-         Sau khi đã xác định được những mục tiêu nhỏ và cả những yếu kém, thế mạnh của mình, bạn sẽ định hình được xem mình phải ưu tiên việc làm việc nào hơn, dành nhiều thời gian hơn cho phần việc nào
-         Cũng tới đây, bạn phải xem xét lại mức thời gian bạn đã đặt ra ở phần bước 1. Nếu thấy công việc quá nhiều, mà thời gian bạn sắp xếp ra lại ít quá thì nên điều chỉnh lại. Và nên nhớ: đây vẫn chưa phải là thời gian chốt lại sau cùng đâu, bạn vẫn còn phải xem xét tiếp ở phần sau đó.

Tạm thời đến đây thôi. Phần tiếp theo mình sẽ chia sẻ vào hôm sau