Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Cách tạo lập kế hoạch cho bản thân (phần II)

Cách tạo lập kế hoạch cụ thể (phần I)



Phần II: LẬP THỜI GIAN BIỂU CHO NHỮNG MỤC TIÊU/ CÔNG VIỆC NHỎ
Bạn đang có trong tay một danh sách những công việc nhỏ cần thực hiện để hoàn thành mục tiêu lớn. Giờ là khâu phân bố thời gian. Xin hãy nhớ đây là những mục tiêu nhỏ, đơn vị thời gian dành cho chúng là ngày/ tuần/ tháng, đừng kéo dài đến hàng năm, vì nó sẽ khiến bạn ít nhiều thấy mệt mỏi. Chia theo tuần/ tháng, bạn sẽ kiểm soát các công việc tốt hơn và cũng dễ dàng thấy được sự cố gắng của mình đến đâu, cần cải thiện điều gì ... Thấy được sự hoàn thiện bản thân sẽ tạo thêm cho bạn nhiều động lực đó ^^

Công việc chính bây giờ tổng hợp lại những công việc được nêu ra ở Phần I, không phải là lập một cái gì đó mới đâu nhé! Tôi sẽ chủ yếu lấy ví dụ về ôn thi đại học để bạn dễ hình dung.

Có những công việc nhỏ chỉ cần 1 tuần là hoàn thành xong, cũng có công việc kéo dài tới một vài tháng. Có những công việc cần làm trước, có công việc để lại sau cũng không sao. Bạn hãy lựa chọn hợp lý, cân nhắc, xem xét thật kỹ để khoán thời gian sao cho phù hợp.
Hãy lập thành từng cụm nhỏ công việc để khoán thời gian

Ví dụ bạn là học sinh lớp 11, giờ đang là tháng Sáu và bạn có 12 tháng để chuẩn bị cho thi đại học. Nếu tính tổng thời gian khoán tạm thời bên trên (ở phần I) cho môn Toán thì bạn ước chừng mất là 9 tháng là ôn xong toàn bộ. Bạn còn dư 3 tháng, vậy hãy giãn thời gian của từng công việc nhỏ ra để ở mỗi phần việc đó, bạn có thể ôn tập sâu hơn.

Tổng thời gian ôn chuyên đề dự tính là 5 tháng, giờ nâng lên thành 7 tháng.
5 tháng còn lại bao gồm nhiều kì thi thử, mình sẽ chuyển sang luyện đề.



Đó, bạn cứ làm như vậy với từng phần công việc nhỏ một, sau đó bạn sẽ có một danh sách những công việc và thời gian cụ thể. Và hãy nhớ là sự linh hoạt là một điều vô cùng cần thiết. Những điều vừa được ấn định xong bên trên cũng chỉ mang tính tương đối, chứ không hề tuyệt đối. Có thể trong quá trình hoàn thành có những thay đổi hay sự cố xảy ra, khiến bạn trì hoãn lại một số thứ. Lúc đó bạn hãy điều chỉnh lại một vài khoàn thời gian của mình. Ban có biết tại sao tôi lại lưu ý điều này không? Bởi nếu bạn cứ gò ép mình phải làm theo đúng những gì bạn đã vạch ra từng ngày tháng thì đến một lúc, bạn bị lỡ nhịp, chậm tiến độ, bạn sẽ NẢN, hoặc, bỏ qua một số việc không hoàn thành, hoặc làm qua loa để kịp những gì bạn ấn định. Không, điều đó không tốt một chút nào, nó chỉ khiến bạn cẩu thả hoặc stressed hơn thôi!

Phần III: LẬP THỜI GIAN BIỂU Ở NHÀ THEO GIỜ CHO TỪNG TUẦN
Đây có lẽ là công việc mà tôi mất nhiều thời gian nhất để rút ra kinh nghiệm cho chính mình. Khi tôi mới làm điều này, quả thực tôi không biết bắt đầu từ đâu: tôi có một đống môn học, một đống bài về nhà, bài học thêm, đi học thêm, rồi thời gian học ở nhà mỗi ngày một khác. Và thời gian biểu này cũng không thể áp dụng cho nhiều tuần được. Mỗi tuần tôi phải làm cho mình một thời gian biểu mới.

Và bạn cũng cần phải như vậy. Mỗi tuần một thời gian biểu mới. ĐỪNG O ÉP! Cuộc sống luôn vận động thay đổi mà.
Và có thể bạn sẽ thấy rất mất thời gian khi ngồi vạch ra công việc cho từng giờ trong tuần (thường thì tôi mất 15 – 30’). Nhưng nếu bạn có được một thời gian biểu hoàn chỉnh rồi, những ngày sau đó, mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, bạn không bỏ sót bất kỳ phần việc hay nhiệm vụ nào, hay lâm vào tình cảnh lúc này không thấy có việc gì làm, sau đó lại ùn ùn một đống việc do bạn vô tình lãng quên.

Lưu ý rằng đây là thời gian biểu ở nhà nhé, bởi ở trường hay ở công ty, bạn đều phải làm việc theo lịch trình quy định sẵn rồi, chỉ ở nhà bạn mới toàn quyển kiểm soát thời gian của mình.
Công việc này bao gồm rất nhiều khâu, hôm nay tôi sẽ nói tới một vài bước đầu.

Bước 1: Liệt kê những việc phải làm
Tuần này, bạn có bài kiểm tra nào không? Nếu có, bạn phải xếp lịch ôn tập.
Tuần này, bạn có nhiều bài về nhà không, những môn nào có và những môn nào không, nhưng vẫn cần ôn lại?
Tuần này, sếp yêu cầu bạn phải giao nộp bao nhiêu bản kế hoạch hay đề xuất dự án?
Tuần này, nếu xét trong kế hoạch lớn kia (phần trên đó), bạn đã dự tính phải hoàn thành những gì?
Hãy liệt kê hết tất cả ra, cố gắng đừng để quên cái gì nhé, nếu không sau đó mà phải sắp lại thời gian sẽ mệt lắm đó.

Có thể có những công việc ngày nào bạn cũng làm ví dụ như chăm sóc cây cảnh, lướt web tra cứu thông tin, hay học từ vựng .. Nhóm này hãy viết riêng ra một chỗ.

Bước 2: Tính số thời gian bạn có
Nếu trừ thời gian đi học ở trường, đi học thêm, tham gia các hoạt động bên ngoài, trừ thời gian đi làm hay vướng bận cuộc họp đã được tính trước, bạn có bao nhiêu giờ ở nhà làm việc và nghỉ ngơi, sinh hoạt cùng gia đình? Hãy đặt câu hỏi với chính mình, và tính tổng số giờ mà một tuần mà bạn có.
P/s: Đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy số giờ lớn, bởi thực tế là thời gian chúng ta đi học ở trường cũng tầm khoàng 6 – 8h / ngày hay đi làm là 8h/ ngày cộng thời gian nghỉ ngơi khoảng 10h, đó là chưa kể ngày chủ nhật nghỉ ở nhà cả ngày. Mà nếu có lớn, hãy thấy vui mừng bởi đó số thời gian bạn làm chủ và lựa chọn cách sống làm việc cho riêng mình mà không bị thầy cô hay các sếp quản thúc đó!

Hôm nay tạm dừng ở đây nhé! Hãy đón chờ bài tiếp theo và có lẽ cũng là bài cuối cùng trong chuỗi bài tạo lập kế hoạch! Mình hy vọng những bài viết của mình có ích cho các bạn. Nếu có ý kiến gi, hãy bình luận (một cách lịch sự) ở dưới nhé! Ý kiến của các bạn sẽ giúp mình rất nhiều trong việc cải thiện chất lượng bài viết.