Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Trong tranh luận, bạn không cần phải là người chiến thắng


Bản gốc dịch bởi Nguyễn Thị Minh Ngọc

Daniel H. Cohen một diễn giả TED nói về những cuộc tranh luận và chúng ta không nên coi đó là "cãi lộn"

Trong buổi trò chuyện ngày hôm nay tại đại học Colby, Cohen đã bảo chúng tôi hãy gạt sang một bên cái mục tiêu chiến thắng một cuộc tranh luận để đạt được sự đánh giá cao từ những người khác.
Bàn về sự cố gắng để được đánh giá cao trong một cuộc tranh luận, chúng tôi đã hỏi Cohen liệu ông có thể trả lời một vài câu hỏi của chúng tôi qua email. Hãy đọc những câu trả lời dưới đây và hãy thoải mái tranh luận với chúng trong phần bình luận nhé.
 

Cuộc tranh luận hay ho nhất mà ông từng có là gì?
Cũng có một số thực sự nổi bật và đáng nhớ. Khi tôi còn là một sinh viên, một đêm muộn, tôi ngồi tranh luận với hai sinh viên thuộc chuyên ngành tâm lý học về Nhất nguyên luận của Spinoza và phương pháp tiếp cận đa nguyên và nguyên tử. Điều khiến nó trở lên đáng nhớ đó là, trong suốt quá trình tranh luận kéo dài vài giờ, tất cả quan điểm mà chúng tôi đưa ra phát triển dần tới mức mà tưởng như tất cả những người tham gia đều có gắng chiếm lĩnh và chống lại từng quan điểm một. Kết quả là không phân thắng bại rõ ràng, nhưng chúng tôi đều đã dời đi với tầm hiểu biết được mở rộng hơn nhiều.
Tôi còn nhớ một cuộc tranh luận vẫn còn đang tiếp diễn về chủ nghĩa hiện thực và đối nghịch chủ nghĩa hiện thực giữa tôi và một nhà thơ trong suốt 30 năm qua. Tôi không chắc chúng tôi có cải thiện được các giải pháp thực tiễn không, nhưng chính nó đã khiến tôi nhận ra rằng quá trình và giải pháp không phải là những thước đo quan trọng nhất của một cuộc tranh luận.

Vậy ông định nghĩa một cuộc tranh luận như thế nào? Liệu có phải là trước khi tranh luận, hai hoặc nhiều người có một loạt các tư tưởng đối lập và sau một hồi tranh luận, một số tư tưởng thay đổi để hình thành nên những tư tưởng tương thích với nhau?
Như bạn thấy đó, tôi không hứng thú với những cuộc tranh luận mang tính đối khái và cả việc giải thích một cách lý thuyết rằng tranh luận là gì. Có những thứ khác, ngoài những tư tưởng quan điểm, có thể đem ra để tranh luận chứ. Chúng ta có thể tranh luận về việc làm gì, nên có thái độ thế nào, làm thế nào để hiểu chuyện ...
Quả thực, chúng ta có thể luôn luôn nhồi nhét gượng ép những ý hiểu khác vào những câu hỏi về quan điểm, niềm tin, nhưng chính những tiêu chuẩn tùy ý đó lại phù hợp với những cuộc tranh luận hơn bất kỳ thứ gì. Một cách lý tưởng, hẳn là sẽ có những thay đổi về nhận thức sau những cuộc tranh luận, nhưng những thành quả về nhận thức đó sẽ nhiều hơn là việc thu nhận, gạt bỏ hay thay đổi quan điểm, niềm tin.

Trong cuộc trò chuyện của ông, ông bàn luận về những lập luận lý thuyết.  Liệu có một sự khác biệt nền tảng nào giữa tranh luận thực tiễn về hành động (ví dụ như ai nên vứt rác đi, hay là liệu có nên đánh bom một đất nước khác) và những cuộc tranh luận về những khái niệm trừu tượng?
Có rất nhiều điểm khác biệt – phần nhiều trong đó là những điều khá quan trọng. Nhưng tôi không chắc là tôi sẽ đưa ra được một câu trả lời ngắn và ổn, ngoại trừ việc cho rằng với một người tranh luận tốt, mục đích của họ sẽ là thu nhận về cho mình một cái gì đó thay vì đi thuyết phục người khác. Như Michael Gillbert đã chỉ ra, nếu một cuộc tranh luận về bình xăng rỗng trong chiếc xe mà một người cho bạn của anh ta mượn đe dọa tình bạn 20 năm của họ thì hẳn cuộc tranh luận về bản chất không hướng tới cái bình xăng rỗng kia. Và tôi thêm vào là bất kì người bạn nào mà để cho một cuộc tranh luận về bình xăng rỗng định đoạt tình bạn của họ thì đó không phải là một người tranh luận tốt gì cả - và cũng không phải là người bạn tốt.

Các cuộc tranh luận nên dẫn tới những kết luận?
Trời, không hề! Nếu cuộc tranh luận 30 năm giữa tôi và nhà thơ kia kết thúc, hẳn là tôi sẽ nhớ nó lắm. Tranh luận có thể là một hình thức rất tích cực kết nối và truyền thông, nhưng nó đòi hỏi bạn phải là một người tranh luận tốt để làm điều đó.
 

Tản mạn một chiều vắng tiếng chim về





Tác giả: Hà Nhân

Chiều xuống với cơn mưa vừa tạnh. Đường vẫn còn ướt nước và cơn mưa như vẫn còn quyến luyến với những giọt nước rơi từ lá cây. Những đàn chim gọi nhau về ríu rít dưới những tàng cây. Tiếng ríu rít khoan nhặt khiến người ta dễ nhầm tưởng là tiếng máy phát ra cho đường phố bớt khô khan tù túng. Có một lần tôi cũng đã tưởng nhầm như vậy, khi đứng đợi đèn xanh sang đường trên một con phố sầm uất của thành phố một nước láng giềng. Tiếng chim vô tư nhưng luôn làm cho bất cứ nơi nào con người đến sống cảm giác gọi là đất lành.
Chiều nay, thành phố cũng vừa tạnh mưa. Ngước lên những tàng cây rũ rượi, tịnh không nghe thấy gì ngoài tiếng còi, tiếng gầm rú của xe cộ, tiếng khoan đục từ đâu đó trong ngõ sâu. Đôi lần tôi tự hỏi những đàn chim sẽ về đâu trú đêm giữa thành phố rộng lớn này? Nhất là những ngày mưa gió dữ dội hay nắng nóng nung người. Một sớm đến văn phòng thấy dưới cửa chớp hành lang, một xác chim sẻ nâu bay lạc nằm bất động. Nỗi buồn nhen lên đầu ngày cứ lớn dần cho đến chiều, khi đi bộ ra con đường tương truyền thường có đàn cò ngủ thưở xa xưa nào đó.


Thành phố giờ như quá rộng khi vắng tiếng chim. Như khi ta rời trang sách khô khan chỉ bắt gặp bầu trời vuông qua ô cửa kính. Như khi ta lướt qua một người với chiếc khẩu trang chặn một lời chào. Như khi ta chịu trận một cơn mưa bất ngờ mà lòng lạnh buốt. Như khi ta đầu trần giữa phố sau buổi học mà không thể dừng lại bất kì một bóng mát hiên che.  Như khi tiếng lòng lịm tắt trước khi đáng ra phải được ngân rung. Như khô khan cuộc sống vắng tiếng cười, vắng một lời tử tế, vắng những thanh âm gieo vào lòng người có giai điệu ân tình. Thành phố vắng tiếng chim nhắc ta rằng đã vắng đi nhiều thứ dịu dàng quen thuộc. Nhắc lòng mình đã rỗng đi nhiều điều quý giá.
Có khi nào ta rất yêu đàn cá ta nuôi trong bể mà cư xử vô cùng tệ với những sông hồ ngoài kia. Rằng có khi ta nuôi đến cả một hiên nhà đầy những lồng chim chạm trổ mà đêm đêm vẫn vác súng hơi đi dọc con đường dẫn lên sân bay để bắn hạ những chú chim đang thiêm thiếp ngủ sau một ngày rã cánh bay. Ta yêu thú cưng nhưng không hẳn đã quý thiên nhiên. Rằng ta vun vén một thú chơi mà quên trách nhiệm với mẹ thiên nhiên. Rằng ta hít thở nhiều cho sức khỏe mình mà quên dưỡng khí cho muôn loài đang vì thế mà thêm cạn kiệt. Rằng đôi khi ta gào thét, gầm rú, bấm còi quá nhiều át cả tiếng muôn loài, khiến một ngày chim cũng phải bỏ người bay đi nơi khác.
Khi hàng cây trên phố đêm về vắng tiếng chim gọi, cũng là khi ta tự biết lòng mình đã mất mát những âm thanh. Chẳng khác nào mỗi ngày ta tự nổi gió để mình cuốn vào nơi trống rỗng tâm hồn.